Đăng bởi: leminhtam | Tháng Sáu 16, 2008

Tin buồn: Bạn Phạm Lê Trực mất

Bạn Phạm Lê Trực, con cô Lê Đoan – nguyên PV liệt sĩ Báo PNVN ở xóm 47 Hàng Chuối, anh của Phạm Lê Hương, là trại viên trại Nhi đồng Miền Nam và Miền Bắc, trại Sơ tán Lập Thạch Vĩnh Phúc, đã từ trần do bệnh nặng tại nhà riêng vào 0h30′ ngày 14/6/2008 ở thành phố Hồ Chí Minh. Vô cùng đau buồn báo tin cùng các bạn và xin chia buồn cùng gia đình bạn Phạm Lê Trực.

Hôm nay (16/6/2008), bạn Lê Trí Hưng, con cô Ngọc Nghi – nguyên TBT Báo PNVN, đã được sự ủy quyền của Ban Liên lạc Hội các trại Nhi đồng cúa HLHPNVN, thay mặt toàn thể các bạn đến viếng bạn Trực. Ngày hôm qua, rất nhiều bạn đã đến viếng bạn Lê Trực với tư cách cá nhân, gia đình, bạn trường Trỗi,… Như các bạn Như Anh, Như Hà, Minh Trí, Nam Dũng, Quang Bắc, Trí Hưng,… Bạn Lê Trực và Lê Hương cũng có một ảnh chụp với Bác Hồ khi Bác đang chia kẹo cho các bạn ở Trại NĐMN cùng má Lánh. Hôm nào tôi sẽ post lên cho các bạn xem. Thực ra là ảnh đã có trên forum rồi, ảnh có cây dừa ở phía tay phải các bạn, Bác Hồ đang cúi xuống chia kẹo, còn bạn Trực đứng ở phía tay phải (trông lớn nhất) đó, cón má Lánh thì đang bế một em bé, Bé hương là bạn gái đứng ở giữa Bác và các bạn khác.

Nhân tiện đây tôi cho các bạn xem một bài tôi đã tính gửi đăng báo PNVN (nhưng chưa đăng hồi nào vì bài dài dòng văn tự, kể toàn chuyện linh tinh, chưa biết gói gọn thế nào). Bài này với nhan đề “CÔ LÀ MẸ VÀ CÁC CHÁU LÀ CON”.

“Kỷ niệm Trại Sơ tán Lập Thạch Vĩnh Phúc của HLHPNVN thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1965-1975. Bài báo tri ân các “bà mẹ cầm bút” – những phóng viên liệt sỹ của Báo PNVN: cô Lê Đoan, mẹ của Lê Trực và Bé Hương; cô Lê Kim Phương, mẹ của Như anh và Như Hà; cô Dương Thị Xuân Quý, mẹ của Bé Ly (nay hình như là PV của BBC thì phải) và cô Lê Mai. Khi “Mẹ vắng nhà”, Lê Trực, Bé Hương, Như Anh và Như Hà (còn Bé Ly do còn nhỏ quá nên nên cô Quý và chú Bùi Minh Quốc gửi ở chỗ khác) đã lớn lên và trưởng thành như thế trong trại sơ tán bên những đồi cọ, đồi sim của tỉnh Vĩnh Phúc, trong vòng tay của các cô giáo như cô Tụy Phương. Lớn lên trong mưa bom bão đạn, thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ, vì bố của các bạn cũng là cán bộ nằm vùng ở lại miền Nam từ khi đất nước bị chia cắt (1954) nhưng các bạn vẫn yên lành lớn lên. Được các cô chăm sóc. ăn no mặc ấm, được học hành tử tế, đủ sức đi học nước ngoài để trở thành các nhà khoa học, giảng viên đại học, bác sĩ,…

2-8-1965

Hôm nay, ba má chúng nó lên thăm nhiều quá, đứa được quà, đứa được thơ sao vui thế! Cô Kim Anh đến, Lê Trực nhận được tin nó sắp đi thiếu sinh quân, nó thì mừng hú. Đến chiều Trực đi rồi, mình và các bạn thì lại buồn.

Hồi bé, khi các gia đình còn ở cùng nơi làm việc tại 47 Hàng Chuối, bọn mình hay cãi nhau, đánh nhau, bọn mình hay ném đá, phá cây của nó, còn nó đái vào cây do chúng mình trồng. Nhưng khi nuôi thỏ và chuột bạch thì mấy đứa rủ nhau đi rất xa để cắt cỏ, trồng cỏ thành công viên cho thỏ và chuột bạch ăn. Trực và Bé Hương có một con ngan mới khiếp làm sao. Cứ mỗi lần trẻ con xuống gác đi qua sân là nó chạy đuổi theo cạp vào chân, làm bọn mình cứ phải quăng dép làm nó tưởng là cá chạy đến thì mới thoát được, trẻ con trong Báo cứ vã mồ hôi như tắm mỗi khi đi qua sân. ai cũng sợ. Thỉnh thoảng mình và Như Anh ở cùng một bè cãi nhau với chị em nhà cái Ngọc Hà thì nó hay chạy ra bênh. Có lần, nó cầm thủy tinh ném vào mặt cái Ngọc Hà chảy máu, bị chú Khôi (bố Ngọc Hà) đánh rất đau, mình và Như Anh muốn bênh nó lắm nhưng lại sợ chú quá nên chỉ dám thập thò xa xa. Bọn trong Báo buổi tối hay chơi trốn tìm, chơi mò người, chơi khăng, nửa đêm rủ nhau đi bắt ve ở các cây sấu trong phố Hàng Chuối. Ban ngày hay chạy đuổi nhau ngắt chà là, ngắt sấu ném nhau trong giờ làm việc ầm ầm làm các cô chú PV rất bực mình, thỉnh thoảng lại nhốt vài đứa vào kho chứa đầy các bài tâm sự “Chị Thanh Tâm thân mến” gửi từ khắp mọi miền đất nước đến. Các cô chú cứ ngỡ là các cháu sợ lắm hóa ra vẫn có nhiều cái để đọc trong kho đó. Buổi trưa ve sầu kếu ầm ĩ, cả lũ ở Báo vẫn thường đợi để cùng nhau đến trường Lê Ngọc Hân dưới cây sấu trước cửa Báo, nắng chan hòa cùng hoa sấu rải vàng. Mình, Như Anh và Trực cùng học một lớp, nhưng nó nghịch quá nên bị đúp một lớp. Những hình ảnh đó lần lượt đi qua óc mình. Nó bị mọi người trong Báo và khu phố bảo là “ngỗ ngược” vì không ai bảo được. Thê mà một lần nó phạm lỗi tương tự, má nó hỏi: “Cón có thương má không? Nó khóc. Nó thương má và em lắm. Bé Hương cũng buồn vì xa anh nó.

Hôm nay Như Anh và Ngọc Hà cãi nhau. Ngọc Hà cay cú ví: “Cả nhà ấy là đế quốc Mỹ”. Như Anh khóc và nói lại: “Cả nhà tớ đi chống Mỹ, sao ấy lại bảo cả nhà tớ là đế quốc Mỹ, không được nói nhục người ta như thế!” Mình ủng hộ Như Anh vì thấy Ngọc Hà sao dốt thế. Đến chiều, Như Anh thủ thỉ với mình: “Tớ bị các cô hiểu lầm, một số bạn hay gây xích mích, không có ba má ở đây, ngoài Tâm ra tớ chẳng còn ai an ủi cả”. Mình tự hứa sẽ không bao giờ gây xích mích với Như Anh nữa. Như Anh bị các cô hiểu lầm vì Xuân Nguyên viết thư nói “yêu Như Anh”, có người tự tiện bóc ra xem rồi nói ầm lên làm ai cũng biết, còn Như Anh phải đến từng cô để nói cho các cô rõ là mình không làm gì cả”…

Thế đấy, thời gian trôi nhanh quá. Bây giờ Trực đã trở thành người thiên cổ rồi, suốt từ đó đến giờ chưa nhìn thấy Trực và Hương lại lần nào. Còn đây là dòng hồi ký của một cô (vì là cuốn hồi ký gia đình nên cô không muốn nói tên) khi mới về nhận công tác ở 47 Hàng Chuối thời kỳ Toà soạn Báo PNVN mới thành lập:

“Mẹ sang Báo thì đã thấy rất nhiều cô vừa mới ở trong Nam ra về nhận công tác như cô Hy (vợ chú Phán), cô Hoàn (vợ chú Vinh), hai chú Phán và Vinh đều là bộ đội như bố. Hằng tuần các chú về thăm gia đình nên ở tầng 3, mỗi gia đinh ngăn cách nhau bằng một chiếc riđô. Các cô, như cô Lê Đoan, cô Kim Phương, cô Chẩm cũng có con, nhưng chồng ở lại Miền Nam thì ở một phòng tập thể với nhau rất vui. Có việc gì cũng đều bàn bạc giúp đỡ nhau như gởi con cho nhau khi phải đi công tác xa,… Tuy có đôi điều phiền phức nhỏ, nhưng hoàn cảnh chung như vậy lại có sự gần gũi, hiểu biết nhau hơn và có thể giúp đỡ nhau tốt hơn. Mặt khác, ai cũng có con cái phải ăn uống ờ nhà ăn tập thể, phải gửi con ở nhà trẻ cơ quan (là tiền thân của các Trại Nhi đồng của chúng mình đấy) mới có thể làm việc tốt được. Phần lớn các cô đã qua công tác đoàn thể phụ nữ nên sống rất hòa hợp với nhau, rất vui vẻ, luôn đùm bọc và giúp đỡ nhau mỗi khi có cháu ốm đau hoặc mẹ phải đi công tác xa. Cho nên, hầu như mỗi người ở mỗi địa phương khác nhau, ở Miền Bắc, Miền Trung hay Miền Nam, tính tình mỗi người cũng khác nhau, phong tục tập quán mỗi nơi cũng khác nhau, nhưng si cũng thấy gần gũi nhau như trong một gia đình – gia đình của Báo Phụ nữ Việt Nam. Cô Mai Loan Ngọc đông con hơn, chú Khôi hằng ngày về ăn cơm với gia đình nên được cơ quan sắp xếp cho một căn phòng ở tầng trệt”.

Hồi ký của cô làm tôi nhớ tới lần chị Thành Tâm (con cô Thành Tín tổ trưởng Tổ “Chị Thanh Tâm thân mến”, chị của Trần Thanh Bình hiện phụ trách Báo PNVN tuyến phía Nam, chị Thành Tâm cũng đã mất vì tai nạn máy bay) vẫn cấm không cho tôi được nhìn hoặc cười mỗi khi chi bị mẹ mắng hoặc phạt vì hai gia đình chỉ cách nhau có một cái riđô.       

“Tổ Quốc bắt đầu từ đâu?

“Tổ Quốc bắt đầu từ đâu?

Từ những bức tranh trong sách học vần

Từ những người bạn trung thành, đôn hậu,

Sống cùng nhau trong khu phố với mình,

Và cũng có thể Tổ quốc bắt đầu

Từ lời mẹ ru khi ta còn thơ ấu…”

http://www.nhaccuatui.com/tim_nang_cao?key=Th%E1%BB%9Di+hoa+%C4%91%E1%BB%8F


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục