Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười Một 13, 2015

Chuyện các cô gia đình thương binh liệt sỹ (9)

LỊCH SỬ LÁ CỜ QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG (tiếp)
Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bác Lê Quang Đạo, người chọn mẫu lá cờ Quyết chiến Quyết thắng xin ý kiến Bác Hồ là chồng cô Nguyệt Tú, trước đây cô là Giám đốc NXB Phụ nữ HLHPNVN. Hai bác là bố mẹ của ba bạn ở Trại Nhi đồng Miền Bắc: Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Quang Bắc, Nguyễn Quang Tuệ. Sau này Nguyễn Quang Bắc trở thành thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chuyn v người nhn c danh d “Quyết chiến quyết thng”

Vậy người cán bộ trong ảnh là ai? Vì sao lại được chọn để nhận cờ xuất quân, một vinh dự rất to lớn như vậy? Lần lại trong kho phim ảnh của Bảo tàng LSQS Việt Nam, chúng tôi biết đó là một bức ảnh do Nhà nhiếp ảnh Triệu Đại chụp tại Điện Biên Phủ. Ảnh có số đăng ký là P. 1181. Chú thích của bức ảnh như sau: “Ngày 13 tháng 3 năm 1954, trước giờ ra trận, đồng chí Trần Độ – Chính uỷ Đại đoàn 312 trao lá cờ Danh dự “Quyết chiến quyết thắng” cho đồng chí Hà Văn Nọa – Đại đội trưởng Đại đội 243 Tiểu đoàn 11 Trung đoàn 141, đơn vị chủ công đánh cứ điểm Him Lam”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng qua những bức ảnh lịch sử 12
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho các đơn vị lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đó là bức ảnh lịch sử và cũng là bức ảnh duy nhất về Liệt sỹ Hà Văn Nọa. Anh đã hy sinh khi chỉ huy đơn vị chiến đấu trong đợt II chiến dịch Điện Biên Phủ khi vừa tròn 26 tuổi.

Ngày 16 tháng 12 năm 2004, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Hà Văn Nọa, quê ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương về thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngay sau khi Liệt sỹ Hà Văn Nọa được Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam đã tìm gặp các cựu chiến binh Sư đoàn 312 để tìm hiểu về Liệt sỹ Hà Văn Nọa và về sự kiện trao lá cờ Danh dự “Quyết chiến Quyết thắng”. Chúng tôi tìm gặpTrung tướng Trần Linh, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng hiện sống tại nhà riêng Số 2 N9 khu tập thể Bộ đội Biên phòng phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông cho biết: Khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi mới 25 tuổi, là Chính trị viên Tiểu đoàn 11 (Phủ Thông), đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm 1- Sở chỉ huy địch ở Trung tâm đề kháng Him Lam. Tôi biết về Hà Văn Nọa. Rồi ông nghẹn ngào xúc động kể lại câu chuyện năm xưa.

Trước hết nói về lá cờ Quyết chiến Quyết thắng: Nhân kỷ niệm lần thứ 9 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị đề xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc có một lá cờ dùng làm giải thưởng luân lưu cho các đơn vị trong toàn quân thi đua giết giặc lâp công, động viên bộ đội chiến đấu, giành thắng lợi trong Đồng Xuân 1953-1954. Ban Thi đua thuộc Cục Tuyên huấn được giao phác thảo mẫu cờ. Mẫu cờ được phác thảo là cờ đỏ sao vàng, dưới có dòng chữ Quyết chiến Quyết thắng- giải thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch. Đồng chí Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn lúc bấy giờ đem mẫu cờ xin ý kiến của Bác và được Bác đồng ý phê duyệt. Cờ được Cục Quân nhu Tổng cục Cung cấp may và gửi lên Điện Biên Phủ. Đơn vị nào tham gia chiến dịch lập công sẽ được nhận giải thưởng này.

Còn về lá cờ của Đại đoàn 312 do Chính ủy Trần Độ trao cho Hà Văn Nọa câu chuyện là thế này. Ông chậm rãi kể: Giữa tháng 12/1953, Đại đoàn 312 nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc. Sau gần một tháng trời hành quân trong mưa gió rét buốt, lại bị địch đánh phá liên tục chặn đường, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã vượt qua hơn 500km đến vị trí tập kết ở khu vực kilômét 15 đường Tuần Giáo – Điện Biên an toàn, chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đoàn 312 vinh dự được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn. Trung đoàn 141 là lực lượng chủ yếu, Trung đoàn 209 là lực lượng dự bị có nhiệm vụ tiến công, tiêu diệt và chiếm lĩnh trung tâm đề kháng Him Lam. Quyết tâm của Đại đoàn 312 là phải thắng địch ngay từ trận đầu và lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” phải được cắm trên đồn địch. Để có được lá cờ, các chị em văn công Đại đoàn được lệnh cấp tốc may thêu cờ Quyết chiến Quyết thắng. Vì chưa phải là phần thưởng của Bác nên lá cờ này có dòng chữ “Cờ Danh dự”. Trước khi trận đánh mở màn, lá cờ được may xong và Chính ủy Đại đoàn trao cho Hà Văn Nọa Đại đội trưởng Đại đội 243 đơn vị chủ công. Trong bức ảnh, cánh tay phải thõng xuống chỉ có lần vải vì cánh tay này anh đã bị mất khi tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950.

Đại đội 243 Tiểu đoàn 11 được giao nhiệm vụ chủ yếu tiêu diệt cứ điểm số 1 trong trận mở màn đánh vào trung tâm đề kháng Him Lam vào tối ngày 11/3. Hà Văn Nọa cùng anh em trinh sát trực tiếp kiểm tra kỹ lưỡng chiến trường. Tối 10/3, Hà Văn Nọa đi trinh sát lần cuối. Anh phát hiện giữa cứ điểm 1 và cứ điểm 2 (do tiểu đoàn 428 phụ trách) có một con đường mòn, lính Pháp thường ra suối lấy nước. Nếu tiến thẳng thì sẽ đụng vào cứ điểm 2, hai đơn vị của ta sẽ nổ súng vào cùng một cứ điểm, rất nguy hiểm là gây thương vong cho nhau mà quân địch ở cứ điểm 1 sẽ thừa cơ hở sườn của ta mà đánh lại. Muốn đến đúng mục tiêu, Đại đội 243 phải tiến lên theo con đường mòn nhỏ lính Pháp thường đi lại. Trước khi bước vào trận đánh, Trung đoàn trưởng giao cho Tiểu đoàn 11, sau khi vượt cầu ngầm ở suối phải tiến thẳng lên cứ điểm 1 vào tối ngày 11/3. Vì phát hiện ra sai sót trong công việc chuẩn bị chiến đấu nên Hà Văn Nọa đã mạnh dạn nói với chính trị viên tiểu đoàn 11 Trần Linh “Trong kế hoạch tấn công ta chưa tính đến một con đường mòn nối giữa hai vị trí quan trọng của cứ điểm. Tôi nhớ rất rõ con đường ấy. Xin các thủ trưởng cho trinh sát lại nếu không sẽ rất nguy hiểm”. Phát hiện của Hà Văn Nọa đã được bàn trong hội nghị, và các thủ trưởng đã báo cáo lên Bộ Tư lệnh. Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định trinh sát lại, rồi lùi giờ mở màn chiến dịch vào ngày 13-3-1954.

Cũng vào ngày 11-3-1954, trong lúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Ðiện Biên Phủ đang nỗ lực tiến hành công tác chuẩn bị ở bước cuối cùng để nổ súng mở màn chiến dịch, thì có thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến. Người viết:

“Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự, và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to.”

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhanh chóng phổ biến tới mọi cán bộ, chiến sĩ và anh chị em thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Một không khí phấn khởi, thi đua lập công truyền lan tới khắp các trận địa. Bức thư của Bác là nguồn động viên khích lệ to lớn  đối với cán bộ, chiến sỹ Đại đội 243 quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đã được Đại đoàn giao cho.

Chuyện về người cắm cờ trên cứ điểm quyết định của đồi Him Lam

Chiều tối ngày 13-3-1954, Tiểu đoàn 11 đã nhanh chóng vượt sông Nậm Rốm và bãi bồi trống sát bờ sông, áp sát trận địa địch dưới làn mưa pháo, đạn dày đặc. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 13-3-1954, quân ta được lệnh tấn công Him Lam, một trung tâm đề kháng mạnh gồm ba cứ điểm nằm trên ba quả đồi sát kề nhau bên đường số 41, do tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn lê-dương thứ 13 (3/13 DBLE) phòng giữ.

Trong khi mũi tiến công mỏm 2 và 3 phát triển thuận lợi thì hướng mỏm 1, mũi chủ yếu của Đại đội 243 Tiểu đoàn 11 gặp ngay khó khăn khi đột phá mở cửa hàng rào. Hỏa lực pháo binh của địch lúc đầu bị tê liệt vì pháo ta uy hiếp, dần dần hoạt động trở lại khá mạnh, đã ngăn chặn ác liệt đường tiến quân của tiểu đoàn, đồng thời những ụ súng ngầm và những hỏa điểm di động mai phục trong cứ điểm đã bất ngờ xuất hiện rất lợi hại, sát thương và ngăn cản bước tiến của quân ta. Nhiều chiến sĩ ôm bộc phá hy sinh trước cửa mở. Cuộc chiến đấu mở cửa đột phá diễn ra rất gay go quyết liệt. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 11 chiến đấu dũng cảm và thương vong một số, nhưng bốn giờ trôi qua, đơn vị vẫn chưa mở xong được cửa đột phá.

Về phía địch, chúng hy vọng kéo dài cuộc chiến đấu giằng co ở cứ điểm này tới lúc trời sáng chờ quân tiếp viện từ Mường Thanh tới giải vây. Mặc dầu khó khăn, ác liệt là vậy nhưng quyết tâm của Tiểu đoàn 11 vẫn rất cao. Tiểu đoàn kiên quyết đề nghị xin được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trước tình hình đó, mặc cho đêm tối, khói đạn mù mịt đồng chí Lê Đình Huống, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 đã cùng Đại đội trưởng Hà Văn Nọa trực tiếp xuống trận địa kiểm tra. Các đồng chí nhanh chóng phát hiện những ụ súng ngầm bố trí rải rác giữa các chướng ngại vật dày đặc và phức tạp nằm giữa khoảng cách từ bên cứ điểm 2 bắn lướt sang đội hình tiến quân của Tiểu đoàn 11, đồng thời cũng phát hiện những điểm hỏa mai phục di động trên những đoạn chiến hào bổ sung, sau các hàng rào bên trong cứ điểm, xuất hiện bất ngờ những lúc bộ đội ta tổ chức xung phong. Ðể giải quyết gọn mục tiêu Him Lam trong đêm 13, Đại đoàn trưởng Ðại đoàn 312 quyết định đưa tiểu đoàn dự bị vào chiến đấu. Lập tức kế hoạch hỏa lực của tiểu đoàn nhanh chóng được bổ sung, đội ngũ được chấn chỉnh. Tiểu đoàn 11 điều ngay 4 tổ trung liên tiêu diệt các ổ kháng cự này của địch, làm chúng phải im bặt. Đại đội 243 được lệnh sử dụng lực lượng bộc phá dự bị có đại liên yểm trợ bằng mọi cách phải quyết tử lao lên đánh bung hàng rào cuối cùng. Loạt bộc phá cuối cùng của Đại đội 243 đã mở thông đường vào trung tâm, xung kích ào ạt vượt qua cửa mở xông vào cứ điểm, tỏa thành nhiều mũi, kết hợp chặt chẽ với việc tiêu diệt từng lô cốt với hành động thọc sâu, chia cắt quân địch của các bộ phận, vừa tác chiến vừa địch vận gọi hàng. Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 Trung đội 4, Đại đội 243 Nguyễn Hữu Oanh dẫn đầu tiểu đội dao nhọn lao thẳng vào trung tâm như lốc cuốn dẫn đầu đội hình xung kích của Tiểu đoàn 11 toả đánh chiếm các mục tiêu. Bằng động tác mau lẹ, Nguyễn Hữu Oanh nhảy lên nóc lô cốt phất cờ “Quyết chiến quyết thắng” vẫy toàn đơn vị đánh thẳng vào trung tâm cứ điểm. Trận đánh mở màn kết thúc lúc 23 giờ 30 phút ngày 17 tháng 3 năm 1954. Cả tiểu đoàn lê dương số 3 do tên thiếu tá Pê – gô chỉ huy đã bị xóa sổ. Quân ta tiêu diệt gần 300 tên địch và bắt sống hơn 200 tên, hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn quy định của cấp trên 30 phút. Trận Him Lam thắng giòn giã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ. Trận đầu ra quân thắng lợi lớn đối với Đại đoàn 312 có ý nghĩa to lớn, tạo nên niềm tin tưởng và sức chiến đấu mới cho bộ đội.

Sang đến đợt II của chiến dịch, bắt đầu từ 17 giờ ngày từ 30-3-1954, cuộc tiến công vào các ngọn đồi phía đông của địch bắt đầu. Đại đoàn 312 có nhiệm vụ tiêu diệt 3 cứ điểm E, D1, D2. Trung đoàn 141 được giao nhiệm vụ tấn công đồi E. Sau khi Trung đoàn 141 đánh chiếm được đồi E, ngày 1/4, địch huy động bộ binh có xe tăng, pháo và không quân yểm trợ phản kích đồi E. Tiểu đoàn 11 Trung đoàn 141 nhận nhiệm vụ đánh địch phản kích, tiến công chiếm lại đồi E lần thứ 2. Tiểu đoàn sử dụng Đai đội 243 luồn sâu và căn cứ đánh địch. Đại đội trưởng Hà Văn Nọa dẫn  Đại đội 243 vượt đường độc đạo dài và hẹp giữa đồi D và đồi E, luồn sâu vào trong căn cứ địch. Bọn địch phát hiện được quân ta, chúng tập trung hỏa lực chống trả, bịt kín con đường tiến của ta. Mặc dầu ở tình thế bất lợi nhưng chỉ huy Đại đội 243 vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em chến đấu. Đại đội nhanh chóng hình thành 2 mũi tiến công địch. Một mũi do Đại đội phó Hiệu và Chính trị viên Đại chỉ huy đánh vào bên sườn của Tiểu đoàn 5 ngụy (5e- BPVN). Mũi khác do Đại đội trưởng Hà Văn Nọa chỉ huy đánh thẳng vào trận địa pháo. Trước phản ứng của ta, bọn địch bỏ chạy xuống chân đồi. Thừa thắng quân ta đánh thẳng vào sở chỉ huy Tiểu đoàn Âu phi số 6, diệt trận địa pháo của địch ở điểm cao 210, đuổi địch ra bờ sông Nậm Rốm. Gần sáng, Đại đội 243 trụ lại bên đường 43 rồi tự lập ra một “cụm cứ điểm” tạo thành trận địa phòng ngự. Lợi dụng bờ ruộng, các chiến sỹ Đại đội 243 dùng tay moi đất đắp công sự. Vũ khí thiếu, nhưng các chiến sĩ đều quyết tâm không rời trận địa. Họ tự băng bó lại vết thương, sẵn sàng lưỡi lê, lựu đạn..chuẩn bị chiến đấu. Lúc này, Đại đội chỉ còn 20  cán bộ, chiến sỹ, trong đó có 7 đồng chí bị thương, chi bộ còn 4 đảng viên. Đại đội trưởng Hà Văn Nọa chủ chì cuộc họp chi bộ dưới chiến hào, hạ quyết tâm giữ vững trận địa. 9 giờ sáng ngày 2/4, Đại đội 243 không thể liên lạc được với Tiểu đoàn, Trung đoàn. Trong tiếng được, tiếng mất của máy điện thoại Hà Văn Nọa “Báo cáo tiểu đoàn, lực lượng chúng tôi còn lại một tiểu đội, đạn hết, xe tăng địch đang đến gần, chúng tôi vẫn kiên quyết…”. Đúng lúc đó, quân địch ở Mường Thanh huy động 1 tiểu đoàn có xe tăng chia làm 3 mũi phản công vào trận địa của ta. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, đạn hết Hà Văn Nọa hô “xung phong”, tất cả bật khỏi công sự, dùng lưỡi lê, báng súng đánh giáp lá cà vật lộn với địch cho đến chiến sỹ cuối cùng. Trận đó, Đại đội trưởng Hà Văn Nọa cùng với nhiều cán bộ, chiến sỹ của Đại đội 243 đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường Điện Biên Phủ. Kể đến đây Trung tướng Trần Linh mắt ngấn ướt.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng để có nền độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay thì biết bao con dân đất Việt đã phải hy sinh như thế. Chẳng ai có thể “đếm được khăn tang”, không ai “đong hết máu chiến trường” nhưng tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ  Hà Văn Nọa cũng như hàng triệu liệt sỹ khác đã hóa thành bất tử và sống mãi trong lòng lớp lớp thế hệ người dân đất Việt.


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục