Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười 26, 2015

Chuyện nhà các cô gia đình thương binh liệt sỹ (3)

HỘI NGƯỜI MÙ BIẾT RÕ CHÚ NGUYỄN HỮU OANH: NGƯỜI CHIẾN SỸ CẮM CỜ TRÊN ĐỒI HIM LAM

Lê Đình Tuấn – phóng viên Tập san của Hội Người mù Quận Tây Hồ ghi nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên  

Trong  không khí cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên, tôi tìm gặp bác Nguyễn Hữu Oanh, người chiến sỹ đã có vinh dự cắm lá cờ chiến thắng của Quân đội ta trên đỉnh đồi Him Lam. Tiếp tôi trong một căn nhà tập thể của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bác Oanh vui vẻ kể: Đơn vị của bác – trung đoàn 141, sư đoàn 312 được tham gia đánh chiếm cứ điểm Him Lam , đây là trận đánh mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ nên rất gay go, quyết liệt. Vì cứ điểm Him lam được ví như tấm cánh cửa sắt án ngữ đường vào toàn bộ tập đoàn cứ điểm nên ta quyết tâm phá bằng được tấm lá chắn đó mà địch cũng chống trả quyết liệt để bảo vệ cứ điểm.

Suốt từ 17h đến 22h ngày 13/3/1954 các loại hỏa lực của địch bắn ra như mưa. địch dùng cả súng phun lửa bắn không tiếc đạn vào trận địa hòng chặn bước tiến của quân ta. Bên ta cũng tập trung các mũi tiến công dùng bộc phá đánh vào các hàng rào dây thép gai của địch. Hệ thống hàng rào này rất kiên cố có chiều dày tới 80m. Nhiều chiến sỹ đánh bộc phá đã anh dũng hy sinh. Lúc ấy, bác Oanh được cấp trên phân công phụ trách một tổ mũi nhọn có nhiệm vụ xung kích đánh thọc sâu. Riêng bác còn có nhiệm vụ đặc biệt là cắm lá cờ của quân đội ta lên lô cốt số 7 – lô cốt chỉ huy trên đồi Him Lam. Đến 22hm khi hàng rào cuối cùng bị phá tan, được sự yểm hộ của các tổ trung liên và đại liên của đơn vị, bác Oanh cùng các chiến sỹ trong tổ xông lên, bất chấp các loại hỏa lực của địch bắn ra dữ dội. Cuối cùng bác Oanh và một chiến sỹ tên là Tuệ đã trèo lên được đỉnh lô cốt và cắm lá cờ quang vinh của Tổ Quốc trên đó. Đến lúc ấy bọn địch trong cứ điểm mới chịu thua, lũ lượt kéo nhau ra hàng.

Đến nay tuy đã bước vào tuổi 75, có việc còn nhớ, có việc đã quên nhưng mọi diễn biến của trận đánh mở màn này thì bác Oanh không thể nào quên được. Bác còn nhớ rõ tên từng đồng đội đã hy sinh trong trận ấy. Hiện nay những đồng đội cùng tham gia trận đánh với bác chỉ còn có vài người, trong đó có trung tướng Trần Linh – nguyên phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng nay cũng đã nghỉ hưu. Thỉnh thoảng các bác lại đến chơi với bác Oanh ôn lại những kỷ niệm và động viên nhau trong cuộc sống. Ngay buổi sang hôm tôi gặp bác Oanh, bác cho biết, bác Trần Linh và một nhà báo cũng vừa thăm bác. Tôi gợi hỏi về cảm nghĩ của bác khi tham gia trận đánh ác liệt này. Không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, bác cho biết: Bác đã từng tham gia nhiều chiến dịch như Hòa Bình, Tây Bắc và được thưởng nhiều huân chương. Trước lúc tiến vào trận Điện Biên Phủ bác đã được bình bầu là chiến sỹ thi đua toàn quân. Sau trận đánh bác được tặng huân chương Chiến công hạng nhất và được lên gặp đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng tại Bộ Chỉ huy chiến dịch đóng ở Mường Phăng. Tại đây đồng chí Hoàng Văn Thái đã giao nhiệm vụ cho bác sang sư đoàn 316 để phổ biến kinh nghiệm đánh trận của mình.

Nay trở về đời thường với quá trình 50 năm tuổi Đảng và người vợ hiền là bác Nguyễn Thị Thanh – nguyên là cô giáo nuôi dạy trẻ cùng 3 đứa con và 4 cháu nội cháu ngoại, bác chẳng đòi hỏi gì ở Đảng và Nhà nước. Bác thường tâm sự với mọi người là; Tuy mất đi đôi mắt. một bàn tay và bàn tay còn lại cũng chỉ còn bốn ngón nhưng bác vẫn còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội mà phần lớn đều nằm lại chiến trường, mãi mãi không trở về. Đến nay, tuy không còn làm được nhiều việc nhưng ngày ngày bác vẫn chăm chỉ luyện tập thể dục, làm việc vặt trong nhà. Hàng tháng, bác gái lại dắt bác đi sinh hoạt Đảng ở chi bộ phường Láng Thượng và sinh hoạt Hội Người mù.

Chia tay với bác Oanh, người chiến sỹ đã cắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc trên cứ điểm Him Lam, mở đầu cho chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng của dân tộc, tôi không thể nào quên được sự bình dị, bản chất tốt đẹp của một người chiến binh bộ đội Cụ Hồ.


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục