Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười 19, 2015

Chuyện các cháu ở Trại Nhi đồng kể (23)

BÀI HỌC KHÂU VÁ

Chuyện của Trần Kiến Quốc

Ở Trại khi lên lớp A, chúng ta được học môn mới là thêu thùa, khâu vá. Không chỉ là môn “nữ công gia chánh” cho con gái mà các cô vẫn đưa vào chương trình dạy khâu vá cho cánh con trai. Cánh con gái được học thêu thế nào thì mình không rõ nhưng còn nhớ bọn con trai được cô giao cho những mẩu vải vụn và kim, chỉ.

Bài học đầu tiên là xỏ kim. Cái kim thì nhỏ xíu được kẹp giữa ngón cái và ngón trỏ của tay trái (với các bạn thuận tay phải), còn tay phải run run xỏ sợi chỉ qua cái lỗ bé xíu. Quả thật đây là công việc đầy khó khăn với bọn trẻ con chúng ta. Cô còn bày cách xỏ sợi chỉ sao cho dễ bằng cách miết chỉ qua môi làm đầu chỉ không bị tưa, dễ xỏ. Những động tác này được cô cho làm đi làm lại đến thành thạo mới thôi.  Tôi vẫn còn nhớ có bạn giúp bà O xỏ kim để vá quần áo.

Sau đó là bài học khâu đơn giản. Cô dạy cách đặt miếng vải vá xuống dưới vết rách rồi lược qua cho miếng vá không bị rời. Sau đó dúm miếng vá, khâu từng mũi cho kim xâu xuống rồi xỏ lên, dọc theo vết rách. Mắt căng lên dõi theo mũi kim. Lúc đầu đường kim mũi chỉ vẹo vọ, có thẳng cho đâu. Có đứa còn vạch bút chì làm đường dẫn. Lần đầu tiên quá lóng ngóng tôi đã bị kim chọc vào ngón tay chảy cả máu. Mắt rưng rưng nhưng cứ mím môi, tiếp tục xỏ từ từ từng mũi kim. Khi đã thành thạo, cô cho tập khâu theo đường kim mũi chỉ kiểu khâu máy, nghĩa là xâu một mũi kim xuống thì xỏ lật lại một mũi. Cứ như vậy đến khi khâu xong sẽ thấy đường chỉ chạy liên tục chứ không đứt đoạn như khâu đơn giản. Khi đã thành thạo khâu chỉ một  mới được cô chuyển sang học khâu chỉ đôi, làm cho miếng vá chắc chắn hơn.

Đừng nghĩ đó là chuyện tầm thường vì chỉ 5 năm sau, khi chiến tranh phá hoại xảy ra, bọn mình phải đi sơ tán xa Hà Nội rồi lên sống ở các trường nội trú, tuy xa mẹ nhưng mỗi khi rách quần, rách áo có thể tự khâu vá hoặc giúp cho các em nhỏ. Mỗi khi ngồi vá quần vá áo ở nơi xa làm tôi lại nhớ những giờ học khâu vá, nhớ đến các cô.

Học đơm khuy áo cũng được các cô dạy từ ngày ở Trại. Chả thế sau này khi đi sơ tán chúng ta – những đứa trẻ 13-14 tuổi có thể tự lo các sinh họat cá nhân cho bản thân mà không cần có bố mẹ. Công ấy chính là nhờ cô Tụy Phương và các cô giáo ở Trại đã dạy chúng ta.

Đúng là “Không thầy đố mày làm nên”! Thế mới thấy chuyện không nhỏ chút.

Bài học khâu vá cũng làm tôi thấm hiểu thế nào là “đói cho sạch, rách cho thơm”. Cuộc sống tuy có nghèo, quần áo có rách nhưng biết vá víu thì vẫn tươm tất như thường!


Trả lời

  1. Tôi là Lê Duy Cường, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nguyên là học sinh Trường phổ thông cấp 3 Ngô Gia Tự (Lập Thạch). Tôi học cùng lớp anh Nguyễn Xuân Nguyên (con bà Tụy Phương) lớp trưởng và chị Ngô Xuân Hồng bí thư chi đoàn (người miền Nam). Chúng tôi tốt nghiệp cấp 3 Ngô Gia Tự năm học 1968-1969. Hiện nay chúng tôi mất liên lạc với các anh chị đó. Năm nay chúng tôi định kỉ niệm 50 năm ngày ra trường, thông qua trang này tôi muốn nhờ các anh chị nếu biết thông tin của các anh chị trên xin cho chúng tôi được biết để mời họ về tham dự. Chung tôi rất hi vọng. Xin cảm ơn trước! ĐT: 0917661696 và 0989763438.


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục