Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười Hai 13, 2015

Chuyện các cô gia đình thương binh liệt sỹ (12)

VẪN LÀ MÌNH, NGƯỜI DŨNG SỸ CẮM CỜ TRÊN ĐỒI HIM LAM!

“Một 22-12 nữa lại đến, nhân 64 năm ngày thành lập Quân đội ta, tôi viết câu chuyện nhỏ này như là thắp một nén nhang cắm trên bàn thờ người dũng sĩ trận Him Lam năm xưa, người đã sống như những lời tâm niệm “là người lính chân chính dù thế nào cũng phải thể hiện “mình vẫn là mình” – Câu chuyện cảm động về dũng sĩ khuyết đôi mắt Nguyễn Hữu Oanh – người cắm cờ trên đồi Him Lam, qua lời kể của một cây bút quân đội, suốt nhiều năm đi xác minh lại tên cho người “dũng sĩ” Nguyễn Hữu Oanh là anh Trịnh Thanh Phi.

Người cắm cờ “quyết chiến quyết thắng”

Cách đây vừa tròn 50 năm, tôi và đám bạn chăn trâu ở quê đã rất ngưỡng mộ và rồi có dịp làm quen anh, người đội trưởng xung kích đã chỉ huy tiểu đội đánh thọc sâu vào trung tâm và là người có vinh dự cắm lá cờ “quyết chiến quyết thắng” trên cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến sĩ Nguyễn Hữu Oanh

Anh là Nguyễn Hữu Oanh, thương binh hạng 1/4, mù hai mắt, mất một cẳng tay trái vì vướng mìn địch khi chiến dịch Điện Biên Phủ đi được nửa chặng đường. Anh sinh năm 1929, quê thôn Phường Nga, Xã Yên Trung, huyện Yên Định, Thanh Hoá, nhập ngũ tháng 7-1949 trong hoàn cảnh trốn khỏi nhà địa chủ theo bộ đội.

Hồi đó, từ trại thương binh mù 139 Nguyễn Thái Học, lần đầu tiên sau chiến tranh chống Pháp kết thúc, anh được về thăm quê để làm thủ tục dạm hỏi chị Nguyễn Thị Thanh, người con gái ở thôn tôi, làm vợ.

Nhà chị Thanh cạnh bờ sông Cầu Chày bên bãi cỏ mênh mông, là nơi lũ trẻ chúng tôi thường chăn trâu.

Chính vì vậy sự xuất hiện của người thanh niên có chiếc kính đen to với cây gậy dò đường trên ngực áo gắn ngay ngắn tấm huy hiệu“chiến sĩ Điện Biên” đã tạo nên sức hút rất mạnh tới lũ trẻ chăn trâu chúng tôi.

Khi hiểu sự tình, bọn trẻ chúng tôi rất lấy làm tự hào về anh, một người con quê hương đã có vinh dự cắm cờ Bác Hồ trao trên nóc lô cốt địch ở cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch.

Vì vậy, những hôm người nhà dẫn anh tới nhà chị Thanh, đám trẻ chúng tôi lại nhao nhao bắt anh ngồi xuống bãi cỏ ven sông đòi anh kể chuyện kéo pháo qua đèo “Trâu khóc”, chuyện “kéo pháo ra, kéo pháo vào”… rồi trận mở màn Him Lam rất ác liệt rồi cuối cùng quân ta giành phần thắng.

Thời gian trôi nhanh, năm 1959 đám cưới anh Oanh, chị Thanh được tổ chức tại Hà Nội. Bọn trẻ chúng tôi đều trưởng thành và mùa thu năm 1966 tôi nhập ngũ. Suốt từ đó đến hơn hai chục năm sau do đóng quân xa Hà Nội nên tôi không có dịp liên lạc gặp anh chị Oanh, Thanh.

Dẫu vậy, kể cả trong những năm tháng dài nơi chiến trường Quảng Trị hoặc đóng quân trên biên cương phía bắc, hình ảnh người dũng sĩ Điện Biên, thương binh mù Nguyễn Hữu Oanh luôn in đậm trong ký ức tôi.

Từ Nguyễn Hữu Oanh thành… Trần Oanh

Bẵng đi vì công việc, đến năm 2002, với cương vị đoàn trưởng Đoàn Kịch nói Quân đội, do yêu cầu cần có kịch bản với chủ đề Điện Biên Phủ để chuẩn bị cho đoàn dàn dựng chào mừng 50 năm chiến thắng lẫy lừng, tôi tìm đọc nhiều sách viết về Điện Biên, về Lịch sử Sư đoàn 312 – đơn vị của anh Nguyễn Hữu Oanh trong chiến dịch này.

Ảnh

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Oanh, nguyên tiểu đội trưởng xung kích trận đánh Him Lan (giữa) và bà Nguyễn Thị Thanh, vợ cựu chiến binh Hữu Oanh

Khi đọc đoạn trận đánh Him Lam trong cuốn sử  Sư đoàn 312 và các sách khác, sự kiện trận đánh Him Lam đều được ghi khá chi tiết đai ý:

“Đúng 17 giờ 30 phút ngày 13-3-1954 quân ta được lệnh tấn công cứ điểm Him Lam. Khi có lệnh nổ súng, các mũi quân ta đồng loạt tấn công địch cả 3 mỏm 1,2,3 cứ điểm địch.

Trong khi mũi tiến công mỏm 2 và 3 phát triển thuận lợi thì hướng mỏm 1, mũi chủ yếu của tiểu đoàn 11 gặp ngay khó khăn khi đột phá mở cửa hàng rào.

Đại đội 243 sau khi phá được 7 hàng rào, đến hàng rào cuối cùng thì bị hai hoả điểm địch bắn chéo cánh sẻ rất quyết liệt làm tiểu đoàn 11 không thể nào tiến lên được. Tình hình vô cùng khẩn trương, nếu không dứt điểm, địch trong Him Lam có thể phản kích, các cứ điểm địch khác có thể tiếp viện giải vây.

Trước tình thế đó, đại đội 243 được lệnh xử dụng lực lượng bộc phá dự bị có đại liên yểm trợ bằng mọi cách phải quyết tử lao lên đánh bung hàng rào cuối cùng.

Loạt bộc phá vừa dứt, tiểu đội trưởng xung kích Trần Oanh (đúng ra phải là Nguyễn Hữu Oanh) dẫn đầu tiểu đội dao nhọn lao thẳng vào trung tâm như lốc cuốn dẫn đầu đội hình xung kích của tiểu đoàn 11 toả đánh chiếm các mục tiêu.

Bị địch cản lại, Nguyễn Hữu Oanh phân công 5 chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, còn anh với quả thủ pháo trong tay, bằng động tác mau lẹ và chính xác anh đút qua lỗ châu mai tiêu diệt bọn địch trong lô cốt mẹ và anh nhảy lên nóc lô cốt phất cờ “quyết chiến qưuyết thắng” vẫy toàn đơn vị đánh thẳng vào trung tâm cứ điểm.

Đến 23 giờ 30 phút ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Him Lam…mở toang cánh cửa sắt án ngữ phía bắc cứ điểm Điện Biên Phủ.

Những chi tiết trên cơ bản đúng như chuyện chiến đấu mà anh Nguyễn Hữu Oanh thường kể cho bọn trẻ chúng tôi nghe từ năm 1958 và tại trang 154 trong cuốn “Lịch sử Sư đoàn bộ binh 312” cũng thể hiện như vậy.

Chỉ có điều đáng lẽ ghi Tiểu đội trưởng xung kích Nguyến Hữu Oanh sách lại ghi là Tiểu đội trưởng xung kích Trần Oanh.

Cẩn thận tôi tìm tra một loạt sách hồi ức, ký sự khác của các vị lãnh đạo hàng đầu Quân đội, Bộ Tổng Tham mưu cũng đều ghi là Trần Oanh. Trước sai sót ấy tôi nghĩ ngay tới việc cần phải góp phần vào việc chỉnh sửa lại đúng tên Nguyễn Hữu Oanh trong cuốn sách này.

Ngày gặp gỡ…

Để cẩn thận, đầu năm 2002 tôi tìm tới nhà anh chị Oanh, Thanh; vừa là thăm gia đình sau 45 năm xa cách, vừa là hỏi chuyện lại bác Nguyễn Hữu Oanh về trận đánh Him Lam…

Thật tuyệt vời, mọi tình tiết chiến đấu, tên từng chiến sĩ trong tiểu đội, cán bộ trung đội, đại đội đến trung đoàn…bác Oanh kể khá chi tiết chính xác như mới xảy ra cách đây không lâu.

Bác nhớ mình thuộc biên chế tiểu đội 1 trung đội 4, Đại đội 243, tiểu đoàn 11, trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Đặc biệt, với giọng xúc động, bác kể với tôi, đúng trưa ngày 13 tháng 3 năm 1954 trước khi hành quân chiếm lĩnh trận địa đánh trận mở màn chiến dịch, chi bộ đại đội 243 họp công bố quyết định của đảng uỷ cấp trên công nhận bác là đảng viên chính thức.

Ảnh

Trung tướng Trần Linh (trái) và cựu chiến binh Nguyễn Hữu Oanh

Qua chuyện kể tôi được biết bác Oanh, Thanh vẫn liên lạc với người Chính trị viên tiểu đoàn 11 khi đánh Him Lam là Trung tướng Trần Linh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên Phòng.

Tôi tìm đến gặp ông và nêu những ghi chép trận đánh Him Lam qua lời kể của bác Nguyến Hữu Oanh và Trung tướng Trần Linh xác nhận hoàn toàn đúng sự thực.

Từ đó tôi lặng lẽ chuẩn bị cứ liệu để có cơ sở đề xuất với Sư đoàn 312 sửa tên trong sử cho bác Nguyễn Hữu Oanh, dù biết việc này không phải nhanh chóng đạt hiệu quả.

“Mình còn có một gia đình, còn được gặp thủ trưởng…”

Trước sai sót trên, năm 2004 trước dịp kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi và Trung tướng Trần Linh thống nhất thông tin cho gia đình bác Nguyễn Hữu Oanh biết dù đây là tin không vui có thể gây sốc cho bác Oanh.

Tôi đem cuốn “Lịch sử sư đoàn 312” (NXB Quân đội Nhân dân 2000), cuốn “ Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- (NXB QĐND 2000) đọc cho bác Nguyễn Hữu Oanh nghe đoạn đánh Him Lam.

Vì bác Oanh có bệnh huyết áp cao, phải sống trong bóng tối suốt 50 năm qua, lường trước diễn biến tâm lý không tốt, tôi cố tạo không khí nhẹ nhàng theo tinh thần có sai thì sửa, sơ xuất này sửa dễ thôi.

Đây là lần đầu tiên bác Oanh được nghe đoạn sử viết về trận đánh Him Lam mà mình là nhân vật trong cuộc. Nghe tôi đọc xong đoạn đó, lặng một lúc bác cất tiếng nhẹ nhàng: “Chuyện về tiểu đội xung kích, sử ghi như thế là đúng, nhưng tên người thì sai. Nhưng thôi, may mình vẫn còn sống, có một gia đình, còn được gặp thủ trưởng”.

Nói đoạn, bác Oanh giang cánh tay lành và phần cánh tay cụt ôm vai Trung tướng Trần Linh, mặt ngẩng lên ra vẻ suy tư làm cả căn phòng nhỏ một chút chìm trong im lặng.

Để lấy lại không khí bình thường, tôi hứa với bác Oanh sẽ có cách làm hợp lý để việc chỉnh lại tên cho bác trong cuốn sử Sư đoàn nhanh được thực hiện.

Với đơn vị, việc làm đó là trách nhiệm, với gia đình, đó là niềm tự hào chính đáng vì đã có người chồng, người cha, người ông đã góp một phần chiến công vào chiến thắng chung của dân tộc. Làm được điều đó chính là tìm lại sự công bằng cho người dũng sĩ Him Lam đã nửa thế kỷ sống không ánh sáng.

“Mấy chục năm qua trong cuộc sống mình vẫn là mình”

Bất ngờ, ngày 10 tháng 2 năm 2007, chuyện buồn ập đến, do tái phát vết thương, người cựu chiến binh, đảng viên 54 năm tuổi đảng Nguyễn Hữu Oanh từ trần.

Trước khi nhắm mắt người dũng sĩ Điện Biên chỉ tâm tư điều rất giản dị rằng: “Nếu có điều kiện đề nghị đơn vị sửa tên trong cuốn sử: đại đội 243 đánh Him Lam không có ai là Trần Oanh. Nếu không sửa được đừng vì thế mà quá buồn lòng, điều quan trọng là mấy chục năm qua trong cuộc sống mình vẫn là mình”.

“Chuyện về tiểu đội xung kích, sử ghi như thế là đúng, nhưng tên người thì sai. Nhưng thôi, may mình vẫn còn sống, có một gia đình, còn được gặp thủ trưởng”.

Sau nỗi đau của gia đình bác Oanh, tôi thấy mình phải xúc tiến nhanh lời dặn của bác.

Và dịp may đã đến, một hôm, tại phòng đọc Thư viện Trung ương Quân đội, tôi tìm thấy trong tập báo lưu năm 1954, tờ báo số 131 ra ngày 20 tháng 7 trang 3 đăng toàn bộ tin các đại đoàn tiến hành Đại hội thi đua, tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong số báo này có bài viết về Đại hội mừng công của Đại đoàn 312 kèm một bản danh sách Đại hội bầu được 13 chiến sĩ thi đua của Đại đoàn gồm các anh hùng Trần Can, Phan Đình Giót và ở số thứ tự thứ 4 có tên Nguyễn Hữu Oanh, A trưởng xung kích.

Bài báo còn viết lời biểu dương các chiến sĩ thi đua: “Các chiến sĩ anh hùng ấy mỗi người một vẻ thật xứng đãng với ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Như đồng chí Nguyễn Hữu Oanh người tổ trưởng xung kích vượt qua lưới đạn lanh lẹn nhảy lên chóp chỉ huy sở địch, dương cao ngọn cờ “quyết chiến, quyết thắng” của Bác trong trận Him Lam”.

Có thêm tư liệu quý giá này, tôi tìm gặp Trung tướng Trần Linh đề nghị ông làm nhân chứng để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Đảng uỷ, chỉ huy Sư đoàn 312 xem xét chỉnh sửa sai sót nêu trên.

Một thuận lợi nữa, nhân dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống Tiểu đoàn Phủ Thông (tiểu đoàn 11E 141), tháng 7 năm 2008, Ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn kịp ấn hành cuốn sách “Tiểu đoàn Phủ Thông” và đã chỉnh sửa tên Nguyễn Hữu Oanh theo ý kiến của Trung tướng Trần Linh.

Ngày 25 tháng 11 năm 2008 tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 312, Đại tá Lương Đình Hồng, bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Sư đoàn đã thân mật tiếp chị Nguyễn Thị Thanh và cháu Nguyễn Hữu Dũng con trai cả cùng đi.

Đại tá Lương Đình Hồng thay mặt lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn tiếp thu ý kiến phát hiện của gia đình, những tài liệu liên quan để có cơ sở quyết định chỉnh sửa những sai sót trên trong cuốn Lịch sử Sư đoàn lần bổ sung tái bản tới đây.

Sau ít ngày tiến hành thủ tục gặp gỡ nhân chứng, tra cứu thêm tư liệu khác, ngày 03-12-2008, tại công văn Số 327/CV-SĐ do Đại tá Chính uỷ Lương Đình Hồng ký gửi gia đình chị Nguyễn Thị Thanh và các cơ quan liên quan thông báo quyết định của Đảng uỷ, Chỉ huy Sư đoàn về đính chính toàn văn đoạn văn liên quan tới hành động chỉ huy, chiến đấu của đồng chí Nguyễn Hữu Oanh trong trận Him Lam là:

“Sau loạt bộc phá dữ dội, các chiến sĩ xung kích của tiểu đoàn 11 tràn qua cửa mở. Tiểu đội dao nhọn Nguyễn Hữu Oanh lao vào trung tâm như lốc cuốn. Bị địch cản lại, Oanh phân công 5 chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, còn anh đánh lô cốt mẹ.

Sau khi lừa địch, áp sát cửa hầm, chỉ bằng một quả thủ pháo, Nguyến Hữu Oanh đã diệt lô cốt mẹ, cắm cờ lên đỉnh lô cốt vẫy toàn đơn vị đánh vào tung thâm…”.

Nhận công văn gia đình, người thân rất phấn khởi, với tôi cũng được nhẹ lòng vì đã góp phần trả lại đúng tên cho người dũng sĩ năm xưa đã từng 5 lần được tặng thưởng Huân chương do lập nhiều chiến công trong chiến đấu.

Sự việc như vậy đã có hậu, cũng xin được nói thêm đôi điều cùng độc giả.

Kể thêm về cuộc sống của người dũng sĩ cắm cờ đồi Him Lam

Năm 1959, sau khi anh chị Oanh, Thanh tổ chức lễ cưới, chị được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận vào công tác tại trại Nhi đồng miền Bắc, chuyên chăm sóc con em cán bộ cao cấp công tác ở các cơ quan Trung ương.

“Nếu có điều kiện đề nghị đơn vị sửa tên trong cuốn sử: đại đội 243 đánh Him Lam không có ai là Trần Oanh. Nếu không sửa được đừng vì thế mà quá buồn lòng, điều quan trọng là mấy chục năm qua trong cuộc sống mình vẫn là mình”

Khi giặc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, chị Thanh bám Trại nhi đồng Miền Bắc sơ tán lên Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Khó khăn gian khổ nhưng vừa làm vừa học, chị nhanh chóng hoàn thành chương trình bổ túc văn hoá cấp 3 và khoá học nghiệp vụ nuôi dạy trẻ do trên cử đi. Còn bác Oanh theo trại thương binh mù sơ tán lên Tản Lĩnh, Ba Vì.

Vợ chồng xa nhau nhưng đều động viên cố gắng vượt lên gian khó phấn đấu sống sao có ích. Bác Oanh vẫn cùng đồng đội miệt mài học chữ nổi Brai đủ để đọc sách chữ nổi, tham gia lao động trông rau mầu, gia công tráng giấy nến đánh máy, gia công làm giấy ráp chơ cơ sở sản xuất thủ công, làm móc khung cửa…

Vợ chồng xa nhau nhưng đều động viên cố gắng vượt lên gian khó phấn đấu sống sao có ích. Bác Oanh vẫn cùng đồng đội miệt mài học chữ nổi Brai đủ để đọc sách chữ nổi, tham gia lao động trông rau mầu, gia công tráng giấy nến đánh máy, gia công làm giấy ráp chơ cơ sở sản xuất thủ công, làm móc khung cửa…

Lần lượt các năm 1961, 1964, 1970 các cháu Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Thảo Nguyên ra đời được học hành, trưởng thành, có công ăn việc làm, đó là sự đáp đền ý nghĩa nhất của cuộc đời.

Năm 1982 được kết nạp Đảng và từ đó đến 1996 được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm nhà trẻ Trung ương, năm 1997 nghỉ hưu tại khu tập thể Pháo đài Láng, cạnh Trường cán bộ Phụ nữ Trung ương.

Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười Một 19, 2015

Chuyện các cô gia đình thương binh liệt sỹ (11)

TẤM GƯƠNG LÀM VIỆC ĐẾN NƠI ĐẾN CHỐN

Ngưỡng mộ chú Nguyễn Hữu Oanh từ khi còn là cậu bé chăn trâu cắt cỏ

Chắc các bạn còn nhớ việc nhà cô Thanh đã được đưa lên trang Trại Nhi đồng của tôi? Đó là lỗi sai “nhỏ”: tên chú Nguyễn Hữu Oanh – người cắm cờ trên đồi Him Lam trong trận Điện Biên Phủ lịch sử cách đây hơn 50 năm lại viết thành “Trần Oanh” trong tất cả các sách lịch sử, hồi ký viết về trận Điện Biên Phủ. Tuy là một sai sót “nhỏ” về mặt kỹ thuật in ấn sách nhưng lại là một sai lớn đối với cả một đời người, một gia đình, truyền thống anh hùng của một địa phương, của một dân tộc. Cũng giống như các chiến sĩ trên chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập hôm 30/4/1975 nhưng với thời gian lâu hơn, chú Nguyễn Hữu Oanh và gia đình đã thầm lặng sống trong nhiều năm vô cùng vất vả mà rất ít người biết đến chiến công của mình, hầu như không có sự đãi ngộ nào cả cho đến lúc chú mất.

Thế nhưng sự việc đã không thể bị lãng quên nhờ một cậu bé chăn trâu đã từng ngưỡng mộ chú Nguyễn Hữu Oanh ngay từ khi ngồi ở sân trường nghe chú kể về trận Điện Biên oai hùng năm nào. Sau này khi lớn lên, cậu bé chăn trâu đó cũng trở thành người lính như chú Nguyễn Hữu Oanh, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và là phóng viên. Anh đã rất ngạc nhiên khi đọc các cuốn sách lịch sử và hồi ký viết về trận Điện Biên Phủ mà trong đó người cắm cờ ở vị trí trọng yếu nhất trên đồi Him Lam không phải là chú Nguyễn Hữu Oanh – người đồng hương anh hằng ngưỡng mộ mà là một Trần Oanh nào đó không rõ quê quán ở đâu. Anh cứ đăm đăm theo đuổi việc này. Có những năm kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, khi mọi người đã lãng quên chú Nguyễn Hữu Oanh, thì anh vẫn vác máy ảnh đến nhà cô Thanh tìm chú Nguyễn Hữu Oanh để chụp ảnh cô chú, nghe chú Nguyễn Hữu Oanh kể chuyện. Anh biết được ai đưa chú Nguyễn Hữu Oanh vào bộ đội từ khi chú còn là cậu bé ở đợ, ai là người biết về chiến công thực sự của chú Nguyễn Hữu Oanh ở trận Điện Biên Phủ. Thế là anh đưa cô chú đến tận nhà gặp lại vị tướng già – người chỉ huy năm xưa nay đã về hưu, đó là trung tướng Trần Linh. Rồi anh lặn lội vào Thư viện Quân đội tìm cho được tờ báo Quân đội Nhân dân cũ từ năm 1954 viết về đợt tuyên dương chiến công của “chiến sỹ thi đua Nguyễn Hữu Oanh” để photo lại. Khi bắt gặp dòng tranh luận của các bạn ở trang Trại Nhi đồng của tôi, anh rất vui mừng vì biết các bạn cũng đang cùng mục tiêu với anh, anh lập tức liên hệ với họ. Cậu bé chăn trâu đó là anh Trịnh Thanh Phi – người đồng hương cùng huyện với cô Thanh và chú Nguyễn Hữu Oanh.

Cùng mục tiêu  

Nhờ thông tin của anh Trịnh Thanh Phi, các bạn trại viên Trại Nhi đồng của cô Thanh đã tìm đến bệnh viện Đông y Quân đội để gặp tướng Trần Linh – người đã từng phụ trách trung đoàn của chú Nguyễn Hữu Oanh, để trình bày sự việc nhầm lẫn này cho ông biết. Chuyến đi hôm đó trong trời mưa giá rét có Kiến Quốc, Minh Tâm và Hữu Dũng- con trai chú Nguyễn Hữu Oanh và cô Thanh.

Lần khác, cô Thanh cùng Minh Tâm, Tạ Linh và Hữu Dũng đến chị Thanh Hòa (Chủ tịch HLHPNVN) để cho chị biết sự việc này vì Trung đoàn Phủ Thông của chú Nguyễn Hữu Oanh đã kết nghĩa chị em nuôi với HLHPNVN từ hồi bác Nguyễn Thị Xuyến làm Chủ tịch Hội (trước trận Điện Biên Phủ) và truyền thống đó vẫn còn giữ cho đến nay. Rất may, hôm đó có cả vợ chồng chị Phó Chủ tịch HLHPN tỉnh Điện Biên cũng đến thăm chị Thanh Hòa và cùng được nghe kể về sự việc này.

Cùng thời gian đó, bạn Nguyễn Quang Bắc cũng liên hệ với Giám đốc Bảo tàng Quân đội Lê Mã Lương để trình bày sự việc, Giám đốc cũng đã hứa với bạn là sẽ sửa cái tên “Trần Oanh” thành “Nguyễn Hữu Oanh” ngay trong sa bàn trận Điện Biên Phủ của Bảo tàng.

Tướng Trần Linh cũng đã đề nghị Sư đoàn 312 sửa sai ngay trong quyển lịch sử Tiểu đoàn Phủ Thông do NXB Quân đội Nhân dân in tháng 7/2008.

Cô Thanh và Minh Tâm cũng đã đến gặp bác Dong (trước đây là thư ký của bác Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên Phủ) để trình bày cho bác biết và hỏi bác về đường đi nước bước. Sau đó hai cô cháu lại đến nhà anh Trịnh Thanh Phi để cùng bàn cách thực hiện. Ngay hôm đó, anh Phi cùng hai cô cháu đến Giám đốc NXB Quân đội Nhân dân để trình bày sự việc. Những ngày sau đó, anh Phi vào Thư viện Quân đội lấy xác nhận của Thư viện về bài báo nói về chiến công của chú Nguyễn Hữu Oanh chứ không phải của Trần Oanh và một số nơi khác nữa. Nói tóm lại là lúc đó còn rất nhiều việc để đi tới đích cuối cùng là trả lại tên họ cho chú Nguyễn Hữu Oanh của cô Thanh trong trận Điện Biên Phủ lịch sử.

Ngày 18/11/2008, cô Thanh cùng Hữu Dũng, anh Trịnh Thanh Phi, Chính Nghĩa và Minh Tâm đến nhà trung tướng Trần Linh để chú xác nhận chiến công chú Nguyên Hữu Oanh với tư cách là nhân chứng lịch sử ở trận Điện Biên Phủ và được biết chú đã gửi công văn chính thức đến tất cả các nơi có trách nhiệm.

Chuyến đi đến Sư đoàn 312

Ngày 25/11/2008, đến Sư đoàn 312 là nguyện vọng ấp ủ từ lâu của mọi người khi cùng tham gia với mục tiêu trả lại tên họ cho chú Nguyễn Hữu Oanh trong trận Điện Biên Phủ lịch sử, bởi Sư đoàn là gốc của vấn đề, mọi sửa chữa phải bắt đầu từ đây. Mọi người cũng muốn đến thăm Sư đoàn mà chú Nguyễn Hữu Oanh đã từng lập nên chiến công ngày đó.

Hôm đến Sư đoàn 312, Quang Vinh – con cô Điểm, lái xe đưa mọi người đi. Mặc dù chị Minh Tâm gọi điện hơi gấp, buổi tối gọi sáng hôm sau đi ngay nhưng Quang Vinh cũng nhận lời ngay: “May quá, em đang được nghỉ phép, thế mà chị không gọi sớm để em sửa cái điều hòa ô tô để đi cho mát”. Nhưng mọi người có cần điều hòa đâu vì trời thì lạnh mà lắm người bị ho quá, mọi người chỉ cần tấm lòng thôi.

Buổi sáng tập trung ở nhà cô Thanh rồi sau đó sang nhà cô Ca để uống cà fê, ăn bánh bao. Mọi người gọi cho Tây Bắc, nghe bạn nói tình hình có vẻ gay vì chưa chắc Sư đoàn đã chấp nhận. Chị Minh Tâm kéo Quang Vinh lên bàn thờ cô Ca để thắp hương cho cô vì Quang Vinh chưa đến lúc cô mất, mà mẹ bạn và cô Ca lại cùng làm y tá ở trại sơ tán Vĩnh Phúc với nhau và cũng để nhờ cô phù hộ cho chuyến đi suôn sẻ.

Đang đi trên đường, bỗng dưng xe bị công an chặn lại do lỗi bánh xe đè lên vạch, Chính Nghĩa phải xuống xe để giải quyết. Sau đó mọi việc lại ổn, không bị mất tiền và giữ xe. Quang Vinh nói: “Chắc là nhờ cô Ca phù hộ cho Chính Nghĩa và mọi người đó!”. Xe lại bon bon đi theo trí nhớ của người từng ở sư đoàn 312 từ rất lâu rồi là anh Trịnh Thanh Phi, bây giờ mọi người xây nhà cửa tùm lum rất khác xưa nên xe đã đi quá chỗ Sư đoàn đóng quân phải đến gần hai chục cây nên phải quay lại.

Nơi Sư đoàn đóng quân là một vùng xanh tươi nhiều cây ăn quả, cỏ và hồ nước, không khí trong lành. Chính ủy Sư đoàn ra đón tiếp, tưởng công việc sẽ rất khó khăn nhưng khi bắt tay vào việc thì hoá ra mọi việc lại diễn ra suôn sẻ và vui vẻ. Mọi người đã thống nhất trước với nhau trên xe là chỉ đề nghị thay đổi cho đúng tên họ chú Nguyễn Hữu Oanh trong tất cả các sách của Sư đoàn, của NXB Quân đội, sa bàn Bảo tàng về trận Điện Biên Phủ. Tuyệt nhiên chưa đả động tới việc đòi quyền lợi cho gia đình cô chú.

Sau hôm đến Sư đoàn 312 cũng chính là ngày mọi người tiễn đưa cô Chấn ra Văn Điển. Nhân dịp này cô Thanh cũng muốn tranh thủ ghé thăm mộ chú Nguyễn Hữu Oanh ở đây. Cô mua hoa đào, hoa cúc, hương, vàng lễ để vào thăm chú. Mọi người nhổ cỏ, thay hoa mới, thắp hương cho chú, báo cáo kết quả công việc đi tìm trả lại đúng tên họ cho chú trong trận Điện Biên đã sắp thành công: Sư đoàn 312 cũng đã gửi giấy xác nhận tên chú Nguyễn Hữu Oanh – người đã cắm cờ trên đồi Him Lam trong trận mở đầu trận Điện Biên Phủ về cho gia đình cô Thanh vào đúng hôm cô Chấn mất. Tên chú cũng đã được chỉnh sửa lại cho đúng trên sa bàn trận Điện Biên Phủ của Bảo tàng Quân đội.

Khi về, cô Thanh nói: “Chú Oanh bảo là nếu có kiếp sau, chú vẫn lấy cô”.

Thương cô giáo của chúng mình

Hôm đi cùng cô Thanh đến nhà bác Dong vào buổi trưa, mặc dù bác có lời mời ở lại ăn cơm nhưng nhà bác ở gần khu vực ẩm thực của Hà thành, nên Minh Tâm lại nảy ra ý định chiêu đãi cô ở quán bánh cuốn Kỳ Đồng. Đây là quán Minh Tâm thích từ thời con gái, từ khi quán còn rất sập sệ, từ khi bánh cuốn chưa được coi là đặc sản của Hà Nội, từ khi đây chưa phải khu vực ẩm thực của Hà thành như bây giờ. Ngày trước ăn bánh cuốn ở đây còn có nước mắm cà cuống, bây giờ không còn vì cà cuống thiên nhiên thì hiếm và đắt, còn cà cuống hoá chất thì gắt nên hầu như mọi người đều không thích. Minh Tâm hỏi cô: “Cô thấy bánh cuốn, mi vằn thắn ở đây có ngon không?”. Cô nói: “Ngon lắm, hàng chục năm nay cô chưa ăn quà như thế này bao giờ”. Vừa ăn nhỏ nhẹ cô vừa chậm rãi nói: “Suốt ngày làm lụng vất vả để nuôi chồng, con, rồi cháu,… chẳng bao giờ được ăn quà cả”.

Hôm cô cháu đến nhà bác Trần Linh, cô nói Chính Nghĩa lái ô tô đi chầm chậm cho cô ngắm Hà Nội vì lâu quá rồi cô không được đi phố như vậy…

Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười Một 14, 2015

Chuyện các cô gia đình thương binh liệt sỹ (10)

THƯ CÔ NGUYỄN THỊ THANH GỬI ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Nội, ngày 8 tháng 10 năm 2007

Kính gửi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi tên là Nguyễn Thị Thanh, tr­ước đây công tác tại Trại Nhi đồng Miền Bắc và Trại Sơ tán Vĩnh Phú của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, từ 1981-1996 là chủ nhiệm Nhà trẻ Trung ương của Hội, đã về hưu từ năm 1997. Tôi cùng hai con trai là Nguyễn Hữu Dũng và Nguyễn Hữu Thành hiện đang sống tại số nhà 35 Phố Pháo Đài Láng thuộc Khu tập thể Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Tôi làm đơn này kính mong Đại tướng và Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân xác minh, sửa chữa lại một nhầm lẫn nhỏ liên quan tới họ tên của ng­ười cắm cờ “Quyết chiến Quyết thắng” trên đồi Him Lam trong trận Điện Biên Phủ Lịch sử.

Người đầu tiên cắm cờ trên đồi Him Lam trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13 tháng 3 năm 1954 là chồng, cha và ông chúng tôi – ông Nguyễn Hữu Oanh – Tiểu đội trưởng xung kích Tiểu đội 1, Trung đội 6, Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Điều này đã được ghi rõ trong Báo Quân đội Nhân dân số 131 ra ngày 20-7-1954 về Đại hội mừng công của Đại đoàn 312. Ông là một trong số 13 chiến sĩ được bình bầu là Chiến sĩ thi đua của đại đoàn 312, gồm:

  1. Đồng chí Trần Can – C phó – xung kích
  2. Đồng chí Phan Đình Giót – A phó – bộc phá
  3. Đồng chí Lương Văn Vọng – cứu thương
  4. Đồng chí Nguyễn Hữu Oanh – A trưởng – xung kích
  5. Đồng chi Phạm Tuy – A trưởng – Đ.K.Z.
  6. Đồng chí Trần Ngọc Bội – A trưởng – xung kích
  7. Đồng chí Nguyễn Thành Lai – Chiến sĩ – trung liên
  8. Đồng chí Trần Hà San – A phó – cấp dưỡng
  9. Đồng chí Lê Văn Việt – A trưởng – đại liên
  10. Đồng chí Nguyễn Văn Nhẵn – A phó – thông tin
  11. Đồng chí Phan Thống – C phó – trợ chiến
  12. Đồng chí Tạ Văn Lọc – B phó, quân báo
  13. Đồng chí Nguyễn Văn Thuần – A trưởng

Với những lời cụ thể nói về ông Nguyễn Hữu Oanh như­ sau: ”Các chiến sĩ anh hùng ấy mỗi người mỗi vẻ thật xứng đáng với ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Như đồng chí Nguyễn Hữu Oanh người tổ trưởng xung kích vượt qua lưới đạn lanh lẹn nhảy lên chóp chỉ huy sở địch dương cao ngọn cờ ”Quyết chiến quyết thắng” của Bác trong trận Him Lam. Đồng chí Vọng vừa băng bó cho hết thương binh của Đại đội còn kiêm cả chỉ huy và tác chiến. Đồng chí Trần Can khi đi còn là tiểu đội trưởng, khi giữa chiến dịch đã lên C phó. Đồng chí Tuy một mình dùng ĐKZ diệt 32 lôcốt, 1 xe tăng và kính trọng hơn là: Anh hùng bịt lỗ châu mai Phan Đình Giót”.

Thế nhưng, trong tập Hồi ký Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử của Đại tướng do nhà văn Hữu Mai thể hiện lấy nguồn trích dẫn từ cuốn Lịch sử Sư đoàn 312 thì lại ghi là Trần Oanh (trang 227, dòng thứ tư từ trên xuống): ”Tiểu đội trưởng Trần Oanh dẫn đầu mũi nhọn lao lên như một cơn lốc. Họ bị chặn lại trước ba chiếc lô cốt. Trần Oanh phân công năm chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, riêng anh phụ trách chiếc lô cốt lớn. Oanh bí mật bò tới gần lỗ châu mai, ném vào trong một trái thủ pháo. Lô cốt mẹ bị tiêu diệt. Oanh phất cờ Quyết chiến Quyết thắng vẫy toàn đơn vị đánh vào tung thâm”.

Đây là một nhầm lẫn nhỏ trong quá trình viết Lịch sử Sư đoàn 312, dẫn tới sai sót trong cuốn Hồi ký Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cả Hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái và Hồi ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Quyển Lịch sử Sư đoàn 312 do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 1994, trang 154, dòng 15 (từ trên xuống) ghi: ”Sau loạt bộc phá dữ dội, các chiến sĩ xung kích của tiểu đòan 11 tràn qua cửa mở. Tiểu đội dao nhọn Trần Oanh lao vào trung tâm như lốc cuốn. Bị địch cản lại, Oanh phân công năm chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, còn anh đánh lô cốt mẹ. Sau khi lừa địch, áp sát cửa hầm, chỉ bằng 1 quả thủ pháo Trần oanh đã diệt xong lô cốt mẹ, cắm cờ lên đỉnh lô cốt vẫy toàn đơn vị đánh vào tung thâm”.

Điều này cũng dẫn tới ở địa phương quê nhà của ông Nguyễn Hữu Oanh là thôn Phường Nga, xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa mọi người cũng băn khoăn không hiểu Nguyễn Hữu Oanh có phải là người đã dẫn đầu Tiểu đội xung kích đánh lên Đồi Him Lam khi ấy hay không? Cho nên trong Lịch sử địa phương, gương chiến đấu dũng cảm của ông Nguyễn Hữu Oanh cũng không được ghi trong Lịch sử Đảng Bộ huyện Yên Định – tỉnh Thanh Hóa, cả trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh và Lịch sử Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa cũng không hề có Nguyễn Hữu Oanh của chúng tôi. Vì vậy gia đình chúng tôi làm đơn này kính mong Đại tướng và Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân quan tâm xác minh, sửa chữa lại một nhầm lẫn nhỏ liên quan tới họ tên của người cắm cờ Quyết chiến Quyết thắng trên đồi Him Lam trong trận Điện Biên Phủ lịch sử để bảo đảm sự chính xác, nâng cao giá trị của lịch sử chiến thắng này và đưa lại vinh dự cho người thật sự đã tham gia chiên dịch. Tuy đây chỉ là một nhầm lẫn nhỏ trong việc nhớ và ghi lại tên người trong một quyển sách, nhưng điều này lại gắn tới số phận của một con người, sự đánh giá chân thực đối với sự hi sinh của họ.

Xin cảm ơn sự quan tâm của Đại tướng.

Kính

Toàn thể gia đình ông Nguyễn Hữu Oanh

Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười Một 13, 2015

Chuyện các cô gia đình thương binh liệt sỹ (9)

LỊCH SỬ LÁ CỜ QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG (tiếp)
Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bác Lê Quang Đạo, người chọn mẫu lá cờ Quyết chiến Quyết thắng xin ý kiến Bác Hồ là chồng cô Nguyệt Tú, trước đây cô là Giám đốc NXB Phụ nữ HLHPNVN. Hai bác là bố mẹ của ba bạn ở Trại Nhi đồng Miền Bắc: Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Quang Bắc, Nguyễn Quang Tuệ. Sau này Nguyễn Quang Bắc trở thành thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chuyn v người nhn c danh d “Quyết chiến quyết thng”

Vậy người cán bộ trong ảnh là ai? Vì sao lại được chọn để nhận cờ xuất quân, một vinh dự rất to lớn như vậy? Lần lại trong kho phim ảnh của Bảo tàng LSQS Việt Nam, chúng tôi biết đó là một bức ảnh do Nhà nhiếp ảnh Triệu Đại chụp tại Điện Biên Phủ. Ảnh có số đăng ký là P. 1181. Chú thích của bức ảnh như sau: “Ngày 13 tháng 3 năm 1954, trước giờ ra trận, đồng chí Trần Độ – Chính uỷ Đại đoàn 312 trao lá cờ Danh dự “Quyết chiến quyết thắng” cho đồng chí Hà Văn Nọa – Đại đội trưởng Đại đội 243 Tiểu đoàn 11 Trung đoàn 141, đơn vị chủ công đánh cứ điểm Him Lam”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng qua những bức ảnh lịch sử 12
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho các đơn vị lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đó là bức ảnh lịch sử và cũng là bức ảnh duy nhất về Liệt sỹ Hà Văn Nọa. Anh đã hy sinh khi chỉ huy đơn vị chiến đấu trong đợt II chiến dịch Điện Biên Phủ khi vừa tròn 26 tuổi.

Ngày 16 tháng 12 năm 2004, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Hà Văn Nọa, quê ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương về thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngay sau khi Liệt sỹ Hà Văn Nọa được Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam đã tìm gặp các cựu chiến binh Sư đoàn 312 để tìm hiểu về Liệt sỹ Hà Văn Nọa và về sự kiện trao lá cờ Danh dự “Quyết chiến Quyết thắng”. Chúng tôi tìm gặpTrung tướng Trần Linh, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng hiện sống tại nhà riêng Số 2 N9 khu tập thể Bộ đội Biên phòng phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông cho biết: Khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi mới 25 tuổi, là Chính trị viên Tiểu đoàn 11 (Phủ Thông), đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm 1- Sở chỉ huy địch ở Trung tâm đề kháng Him Lam. Tôi biết về Hà Văn Nọa. Rồi ông nghẹn ngào xúc động kể lại câu chuyện năm xưa.

Trước hết nói về lá cờ Quyết chiến Quyết thắng: Nhân kỷ niệm lần thứ 9 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị đề xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc có một lá cờ dùng làm giải thưởng luân lưu cho các đơn vị trong toàn quân thi đua giết giặc lâp công, động viên bộ đội chiến đấu, giành thắng lợi trong Đồng Xuân 1953-1954. Ban Thi đua thuộc Cục Tuyên huấn được giao phác thảo mẫu cờ. Mẫu cờ được phác thảo là cờ đỏ sao vàng, dưới có dòng chữ Quyết chiến Quyết thắng- giải thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch. Đồng chí Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn lúc bấy giờ đem mẫu cờ xin ý kiến của Bác và được Bác đồng ý phê duyệt. Cờ được Cục Quân nhu Tổng cục Cung cấp may và gửi lên Điện Biên Phủ. Đơn vị nào tham gia chiến dịch lập công sẽ được nhận giải thưởng này.

Còn về lá cờ của Đại đoàn 312 do Chính ủy Trần Độ trao cho Hà Văn Nọa câu chuyện là thế này. Ông chậm rãi kể: Giữa tháng 12/1953, Đại đoàn 312 nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc. Sau gần một tháng trời hành quân trong mưa gió rét buốt, lại bị địch đánh phá liên tục chặn đường, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã vượt qua hơn 500km đến vị trí tập kết ở khu vực kilômét 15 đường Tuần Giáo – Điện Biên an toàn, chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đoàn 312 vinh dự được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn. Trung đoàn 141 là lực lượng chủ yếu, Trung đoàn 209 là lực lượng dự bị có nhiệm vụ tiến công, tiêu diệt và chiếm lĩnh trung tâm đề kháng Him Lam. Quyết tâm của Đại đoàn 312 là phải thắng địch ngay từ trận đầu và lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” phải được cắm trên đồn địch. Để có được lá cờ, các chị em văn công Đại đoàn được lệnh cấp tốc may thêu cờ Quyết chiến Quyết thắng. Vì chưa phải là phần thưởng của Bác nên lá cờ này có dòng chữ “Cờ Danh dự”. Trước khi trận đánh mở màn, lá cờ được may xong và Chính ủy Đại đoàn trao cho Hà Văn Nọa Đại đội trưởng Đại đội 243 đơn vị chủ công. Trong bức ảnh, cánh tay phải thõng xuống chỉ có lần vải vì cánh tay này anh đã bị mất khi tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950.

Đại đội 243 Tiểu đoàn 11 được giao nhiệm vụ chủ yếu tiêu diệt cứ điểm số 1 trong trận mở màn đánh vào trung tâm đề kháng Him Lam vào tối ngày 11/3. Hà Văn Nọa cùng anh em trinh sát trực tiếp kiểm tra kỹ lưỡng chiến trường. Tối 10/3, Hà Văn Nọa đi trinh sát lần cuối. Anh phát hiện giữa cứ điểm 1 và cứ điểm 2 (do tiểu đoàn 428 phụ trách) có một con đường mòn, lính Pháp thường ra suối lấy nước. Nếu tiến thẳng thì sẽ đụng vào cứ điểm 2, hai đơn vị của ta sẽ nổ súng vào cùng một cứ điểm, rất nguy hiểm là gây thương vong cho nhau mà quân địch ở cứ điểm 1 sẽ thừa cơ hở sườn của ta mà đánh lại. Muốn đến đúng mục tiêu, Đại đội 243 phải tiến lên theo con đường mòn nhỏ lính Pháp thường đi lại. Trước khi bước vào trận đánh, Trung đoàn trưởng giao cho Tiểu đoàn 11, sau khi vượt cầu ngầm ở suối phải tiến thẳng lên cứ điểm 1 vào tối ngày 11/3. Vì phát hiện ra sai sót trong công việc chuẩn bị chiến đấu nên Hà Văn Nọa đã mạnh dạn nói với chính trị viên tiểu đoàn 11 Trần Linh “Trong kế hoạch tấn công ta chưa tính đến một con đường mòn nối giữa hai vị trí quan trọng của cứ điểm. Tôi nhớ rất rõ con đường ấy. Xin các thủ trưởng cho trinh sát lại nếu không sẽ rất nguy hiểm”. Phát hiện của Hà Văn Nọa đã được bàn trong hội nghị, và các thủ trưởng đã báo cáo lên Bộ Tư lệnh. Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định trinh sát lại, rồi lùi giờ mở màn chiến dịch vào ngày 13-3-1954.

Cũng vào ngày 11-3-1954, trong lúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Ðiện Biên Phủ đang nỗ lực tiến hành công tác chuẩn bị ở bước cuối cùng để nổ súng mở màn chiến dịch, thì có thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến. Người viết:

“Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự, và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to.”

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhanh chóng phổ biến tới mọi cán bộ, chiến sĩ và anh chị em thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Một không khí phấn khởi, thi đua lập công truyền lan tới khắp các trận địa. Bức thư của Bác là nguồn động viên khích lệ to lớn  đối với cán bộ, chiến sỹ Đại đội 243 quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đã được Đại đoàn giao cho.

Chuyện về người cắm cờ trên cứ điểm quyết định của đồi Him Lam

Chiều tối ngày 13-3-1954, Tiểu đoàn 11 đã nhanh chóng vượt sông Nậm Rốm và bãi bồi trống sát bờ sông, áp sát trận địa địch dưới làn mưa pháo, đạn dày đặc. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 13-3-1954, quân ta được lệnh tấn công Him Lam, một trung tâm đề kháng mạnh gồm ba cứ điểm nằm trên ba quả đồi sát kề nhau bên đường số 41, do tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn lê-dương thứ 13 (3/13 DBLE) phòng giữ.

Trong khi mũi tiến công mỏm 2 và 3 phát triển thuận lợi thì hướng mỏm 1, mũi chủ yếu của Đại đội 243 Tiểu đoàn 11 gặp ngay khó khăn khi đột phá mở cửa hàng rào. Hỏa lực pháo binh của địch lúc đầu bị tê liệt vì pháo ta uy hiếp, dần dần hoạt động trở lại khá mạnh, đã ngăn chặn ác liệt đường tiến quân của tiểu đoàn, đồng thời những ụ súng ngầm và những hỏa điểm di động mai phục trong cứ điểm đã bất ngờ xuất hiện rất lợi hại, sát thương và ngăn cản bước tiến của quân ta. Nhiều chiến sĩ ôm bộc phá hy sinh trước cửa mở. Cuộc chiến đấu mở cửa đột phá diễn ra rất gay go quyết liệt. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 11 chiến đấu dũng cảm và thương vong một số, nhưng bốn giờ trôi qua, đơn vị vẫn chưa mở xong được cửa đột phá.

Về phía địch, chúng hy vọng kéo dài cuộc chiến đấu giằng co ở cứ điểm này tới lúc trời sáng chờ quân tiếp viện từ Mường Thanh tới giải vây. Mặc dầu khó khăn, ác liệt là vậy nhưng quyết tâm của Tiểu đoàn 11 vẫn rất cao. Tiểu đoàn kiên quyết đề nghị xin được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trước tình hình đó, mặc cho đêm tối, khói đạn mù mịt đồng chí Lê Đình Huống, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 đã cùng Đại đội trưởng Hà Văn Nọa trực tiếp xuống trận địa kiểm tra. Các đồng chí nhanh chóng phát hiện những ụ súng ngầm bố trí rải rác giữa các chướng ngại vật dày đặc và phức tạp nằm giữa khoảng cách từ bên cứ điểm 2 bắn lướt sang đội hình tiến quân của Tiểu đoàn 11, đồng thời cũng phát hiện những điểm hỏa mai phục di động trên những đoạn chiến hào bổ sung, sau các hàng rào bên trong cứ điểm, xuất hiện bất ngờ những lúc bộ đội ta tổ chức xung phong. Ðể giải quyết gọn mục tiêu Him Lam trong đêm 13, Đại đoàn trưởng Ðại đoàn 312 quyết định đưa tiểu đoàn dự bị vào chiến đấu. Lập tức kế hoạch hỏa lực của tiểu đoàn nhanh chóng được bổ sung, đội ngũ được chấn chỉnh. Tiểu đoàn 11 điều ngay 4 tổ trung liên tiêu diệt các ổ kháng cự này của địch, làm chúng phải im bặt. Đại đội 243 được lệnh sử dụng lực lượng bộc phá dự bị có đại liên yểm trợ bằng mọi cách phải quyết tử lao lên đánh bung hàng rào cuối cùng. Loạt bộc phá cuối cùng của Đại đội 243 đã mở thông đường vào trung tâm, xung kích ào ạt vượt qua cửa mở xông vào cứ điểm, tỏa thành nhiều mũi, kết hợp chặt chẽ với việc tiêu diệt từng lô cốt với hành động thọc sâu, chia cắt quân địch của các bộ phận, vừa tác chiến vừa địch vận gọi hàng. Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 Trung đội 4, Đại đội 243 Nguyễn Hữu Oanh dẫn đầu tiểu đội dao nhọn lao thẳng vào trung tâm như lốc cuốn dẫn đầu đội hình xung kích của Tiểu đoàn 11 toả đánh chiếm các mục tiêu. Bằng động tác mau lẹ, Nguyễn Hữu Oanh nhảy lên nóc lô cốt phất cờ “Quyết chiến quyết thắng” vẫy toàn đơn vị đánh thẳng vào trung tâm cứ điểm. Trận đánh mở màn kết thúc lúc 23 giờ 30 phút ngày 17 tháng 3 năm 1954. Cả tiểu đoàn lê dương số 3 do tên thiếu tá Pê – gô chỉ huy đã bị xóa sổ. Quân ta tiêu diệt gần 300 tên địch và bắt sống hơn 200 tên, hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn quy định của cấp trên 30 phút. Trận Him Lam thắng giòn giã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ. Trận đầu ra quân thắng lợi lớn đối với Đại đoàn 312 có ý nghĩa to lớn, tạo nên niềm tin tưởng và sức chiến đấu mới cho bộ đội.

Sang đến đợt II của chiến dịch, bắt đầu từ 17 giờ ngày từ 30-3-1954, cuộc tiến công vào các ngọn đồi phía đông của địch bắt đầu. Đại đoàn 312 có nhiệm vụ tiêu diệt 3 cứ điểm E, D1, D2. Trung đoàn 141 được giao nhiệm vụ tấn công đồi E. Sau khi Trung đoàn 141 đánh chiếm được đồi E, ngày 1/4, địch huy động bộ binh có xe tăng, pháo và không quân yểm trợ phản kích đồi E. Tiểu đoàn 11 Trung đoàn 141 nhận nhiệm vụ đánh địch phản kích, tiến công chiếm lại đồi E lần thứ 2. Tiểu đoàn sử dụng Đai đội 243 luồn sâu và căn cứ đánh địch. Đại đội trưởng Hà Văn Nọa dẫn  Đại đội 243 vượt đường độc đạo dài và hẹp giữa đồi D và đồi E, luồn sâu vào trong căn cứ địch. Bọn địch phát hiện được quân ta, chúng tập trung hỏa lực chống trả, bịt kín con đường tiến của ta. Mặc dầu ở tình thế bất lợi nhưng chỉ huy Đại đội 243 vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em chến đấu. Đại đội nhanh chóng hình thành 2 mũi tiến công địch. Một mũi do Đại đội phó Hiệu và Chính trị viên Đại chỉ huy đánh vào bên sườn của Tiểu đoàn 5 ngụy (5e- BPVN). Mũi khác do Đại đội trưởng Hà Văn Nọa chỉ huy đánh thẳng vào trận địa pháo. Trước phản ứng của ta, bọn địch bỏ chạy xuống chân đồi. Thừa thắng quân ta đánh thẳng vào sở chỉ huy Tiểu đoàn Âu phi số 6, diệt trận địa pháo của địch ở điểm cao 210, đuổi địch ra bờ sông Nậm Rốm. Gần sáng, Đại đội 243 trụ lại bên đường 43 rồi tự lập ra một “cụm cứ điểm” tạo thành trận địa phòng ngự. Lợi dụng bờ ruộng, các chiến sỹ Đại đội 243 dùng tay moi đất đắp công sự. Vũ khí thiếu, nhưng các chiến sĩ đều quyết tâm không rời trận địa. Họ tự băng bó lại vết thương, sẵn sàng lưỡi lê, lựu đạn..chuẩn bị chiến đấu. Lúc này, Đại đội chỉ còn 20  cán bộ, chiến sỹ, trong đó có 7 đồng chí bị thương, chi bộ còn 4 đảng viên. Đại đội trưởng Hà Văn Nọa chủ chì cuộc họp chi bộ dưới chiến hào, hạ quyết tâm giữ vững trận địa. 9 giờ sáng ngày 2/4, Đại đội 243 không thể liên lạc được với Tiểu đoàn, Trung đoàn. Trong tiếng được, tiếng mất của máy điện thoại Hà Văn Nọa “Báo cáo tiểu đoàn, lực lượng chúng tôi còn lại một tiểu đội, đạn hết, xe tăng địch đang đến gần, chúng tôi vẫn kiên quyết…”. Đúng lúc đó, quân địch ở Mường Thanh huy động 1 tiểu đoàn có xe tăng chia làm 3 mũi phản công vào trận địa của ta. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, đạn hết Hà Văn Nọa hô “xung phong”, tất cả bật khỏi công sự, dùng lưỡi lê, báng súng đánh giáp lá cà vật lộn với địch cho đến chiến sỹ cuối cùng. Trận đó, Đại đội trưởng Hà Văn Nọa cùng với nhiều cán bộ, chiến sỹ của Đại đội 243 đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường Điện Biên Phủ. Kể đến đây Trung tướng Trần Linh mắt ngấn ướt.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng để có nền độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay thì biết bao con dân đất Việt đã phải hy sinh như thế. Chẳng ai có thể “đếm được khăn tang”, không ai “đong hết máu chiến trường” nhưng tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ  Hà Văn Nọa cũng như hàng triệu liệt sỹ khác đã hóa thành bất tử và sống mãi trong lòng lớp lớp thế hệ người dân đất Việt.

Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười Một 13, 2015

Chuyện các cô gia đình thương binh liệt sỹ (8)

LỊCH SỬ LÁ CỜ QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG (còn nữa)

Tư liệu Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Người cắm được cờ  Quyết chiến Quyết thắng lên cứ điểm quyết định đồi Him Lam trận Điện Biên Phủ 1954 là chú Nguyễn Hữu Oanh, chồng cô Thanh và là bố của ba bạn ở trại Sơ tán Vĩnh Phú: Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Thảo Nguyên.   

Cho đến nay nguồn gốc của lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” vẫn ít ai biết đến. Đến cuối năm 1953, chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, cũng nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị đề xuất với Hồ Chủ tịch về việc thêu cờ dùng làm giải thưởng luân lưu cho các đơn vị trong toàn quân thi đua giết giặc lập công, động viên bộ đội chiến đấu, giành thắng lợi cuối cùng. Đồng chí Vũ Anh Tài, cán bộ Ban Thi đua thuộc Cục Tuyên huấn được giao nhiệm vụ phác thảo mẫu cờ. Mẫu cờ được chọn là cờ đỏ sao vàng, có dòng chữ “Quyết chiến quyết thắng – giải thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch”. Đồng chí Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn lúc bấy giờ đem mẫu cờ xin ý kiến của Bác và được Bác đồng ý phê duyệt. Ngày 22 tháng 12 năm 1953, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” chính thức được sử dụng, trở thành giải thưởng luân lưu của Bác.

Ngày 11 tháng 3 năm 1954, mặt trận Điện Biên Phủ nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác viết:

Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn khó khăn nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh huấn chính trị và quân sự, đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rang các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú“.

Lệnh động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được gửi tới các đơn vị:

“Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu! Đây là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta từ trước tới nay… Đánh thắng ở Điện Biên Phủ, chúng ta sẽ phá tan kế hoạch Nava hiện đã bị thất bại nặng nề, sẽ giáng một dòn chí tử vào âm mưu mở rộng chiến tranh của bọn đế quốc Pháp – Mỹ. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi sẽ cô một ảnh hưởng vang dội trong nước và ngoài nước, sẽ là một cống hiến xứng đáng vào phong trào hòa bình thế giới đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt – Miên – Lào… Giờ ra trận đã đến!

Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch”.

Đây là trận công kiên lớn nhất trong lịch sử quân đội ta. Một tập đoàn cỡ bự 12.000 tên địch, hệ thống phòng ngự khổng lồ, dày đặc trải dài khắp thung lũng Mường Thanh với các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất dưới sự trợ giúp tối đa của Mỹ, trong khi đó lần đầu ta đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh và pháo binh. So sánh về cục diện của cả hai bên, về cơ bản Pháp có nhiều lợi thế. Cho đến lúc này, với những đợt quán triệt, học tập chính trị, rèn luyện tư tưởng, cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận đề quyết tâm cao, sắn sàng tiêu diệt địch, giành độc lập cho dân tộc.

Ngày mở màn được quyết định vào chiều ngày 13 tháng 3 sau nhiều lần trì hoãn. Nhiệm vụ của bộ đội ta trong đợt tiến công thứ nhất là tiêu diệt ba trung tâm đề kháng: Him Lam, Đồi độc lập, Bản Kéo, bảo vệ cho Tập đoàn cứ điểm ở hướng Bắc và Đông Bắc, ngăn chặn quân ta từ hai trục đường Lai Châu và Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ tiến vào cánh đồng Mường Thanh. Các đại đoàn tham gia chiến dịch đều xung phong và bày tỏ mong muốn được đánh trận mở màn. Cả 308 và 316 đã trải qua những trận truy kích đường dài hàng trăm kilômét, lực lượng ít nhiều bị tiêu hao. 312 tuy phải tham gia kéo pháo, làm đường và xây dựng trận địa khá mệt nhọc, nhưng lực lượng còn nguyên vẹn, được Bộ chỉ huy Mặt trận chọn làm đơn vị chủ công mở màn chiến dịch…”.

NGƯỜI CẮM CỜ TRÊN ĐỈNH CAO LỊCH SỬ

Bài đăng trên báo điện tử An ninh Tiền tệ và Truyền thông, cơ quan của Hội Luật gia Việt Nam. 

Cờ Quyết chiến Quyết thắng trên đồi Him Lam

Trận đánh Him Lam ngày 13 tháng 3 năm 1954 mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là cuộc đối đầu quyết định giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội viễn chinh Pháp trong chiến tranh Đông Dương.

Trong trận này, Đại đội 243 được trung đoàn chọn giao nhiệm vụ là mũi chủ công của Tiểu đoàn 11, có nhiệm vụ đánh chiếm mỏm 1, cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch. 17 giờ, cấp trên phát lệnh nổ súng đánh Him Lam. Sau 3 giờ chiến đấu quyết liệt, Tiểu đoàn 428 chiếm được mỏm 2 và 3. Nhưng hướng mỏm 1, địch trong cứ điểm kháng cự rất quyết liệt, nhiều đoạn hào bị địch đánh mìn san lấp. Trung đội 7 bộc phá của Đại đội 243 sau khi phá được 7 hàng rào, đến hàng rào cuối cùng thì bất ngờ bị 2 hỏa điểm địch bắn chéo trước cửa mở như vãi đạn. Lợi dụng lúc địch tạm ngừng bắn, bộc phá viên dự bị xông lên nhưng chưa kịp điểm hỏa thì hy sinh. Phát hiện được hỏa điểm ngầm của địch, chỉ huy đại đội điều 4 đại liên chế áp quyết liệt và bộ phận bộc phá nhanh chóng phá bung hàng rào cuối cùng của địch.

Chớp thời cơ, Tiểu đội trưởng xung kích Nguyễn Hữu Oanh dẫn đầu tiểu đội lao vào trung tâm cứ điểm. Bị địch bắn chặn, Oanh nhanh chóng phân công 5 chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, anh đánh lô cốt mẹ. Sau khi lừa địch, bằng động tác rất mau lẹ, Oanh áp sát cửa lô cốt và chỉ cần một quả thủ pháo, bọn địch trong lô cốt đã bị anh diệt gọn.

co-quyet-chien-quyet-thang

Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng trên đồi Him Lam (nguồn: Internet)

Thừa thắng, Oanh lao lên nóc lô cốt, phất mạnh lá cờ Quyết chiến Quyết thắng mấy vòng ra hiệu cho toàn đơn vị tràn vào trung tâm, hoàn toàn làm chủ cứ điểm Him Lam. Lúc ấy là 22 giờ 30 phút.

Cờ chiến thắng trên Dinh Độc lập

Vào lúc 9h30 ngày 30-4-1975, một lá cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng năm cánh đã tung bay hiên ngang trên đỉnh cao tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là một trong những lá cờ giải phóng đầu tiên được kéo lên trên bầu trời Sài Gòn còn rền vang tiếng súng trong giờ phút hấp hối của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Đại tá Đinh Quốc Kỳ, nguyên cán bộ bảo vệ chính trị nội bộ Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B) cho biết: Trong tấm ảnh ghi lại giờ phút lịch sử ấy có hai người cắm cờ là Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn.

Thượng sỹ Phạm Văn Lãi nhớ lại: Ngày Thứ Bảy 26-4, không khí chuẩn bị chiến đấu trong trại khẩn trương, nhưng bộ đội ta vẫn bình tĩnh chờ lệnh. Hôm ấy, Đội Chiếu phim phục vụ anh em bộ phim “Giải phóng Châu Âu” của Điện ảnh Liên Xô, chiếu cả 5 tập liên tục. Đêm 28 rạng ngày 29, pháo ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, đạn pháo rơi cả vào bãi chiếu phim. Khoảng 8h00 ngày 30-4, Thiếu tướng Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn lệnh cho Trung tá Mười Sương, Trưởng ban Chính trị gọi tôi lên giao nhiệm vụ vào kho lấy lá cờ to nhất mang cho vệ binh cắm lên tháp nước”.

Phạm Văn Lãi vào kho, tìm được lá cờ to nhất, bề rộng lá cờ bằng 4 khổ vải. Cứ theo tỷ lệ, có thể thấy lá cờ phải rộng hàng chục mét vuông. Phấn khởi vì được thủ trưởng tin cậy, với nhiệt tình cách mạng của tuổi trẻ, Lãi quyết định trực tiếp treo cờ. Anh ôm lá cờ vào người, chạy băng qua sân Trại đến tháp nước. Dọc đường, anh gọi cảnh vệ Nguyễn Văn Cẩn đi theo. Một đồng chí trong Ban Nghiên cứu dưới hào hỏi vọng lên: “Ai giao cho cậu treo cờ?”, Lãi trả lời: “Đây là lệnh của thủ trưởng Phái đoàn và đã được Đảng ủy Đoàn quyết định”. Lãi và Cẩn vừa chạy vừa quan sát, các anh nhặt được một đoạn ống nước làm cán cờ và hai sợi dây thép. Đến chân tháp nước, Lãi chui vào lồng bảo vệ trèo lên trước, Cẩn đeo súng ngắn K-54 theo sau. Lên đến đỉnh, Lãi buộc phía trên, Cẩn buộc phía dưới. Kiểm tra mối buộc xong, thấy chắc chắn rồi, Phạm Văn Lãi buông tay, lá cờ no gió mở ra “phật” một tiếng, cuồn cuộn tung bay trên điểm cao của thành phố Sài Gòn.

Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười Một 4, 2015

Chuyện các cô gia đình thương binh liệt sỹ (6)

CHÁU CÔ TRANH LUẬN VỀ NGƯỜI CẮM CỜ TRÊN ĐỒI HIM LAM: TỪ LƠ NGƠ ĐẾN RÕ CHI TIẾT (còn nữa)

Cô Thanh nói: ”Bài báo là như vậy, sự thật là như vậy, ở HLHPNVN này ai cũng biết chính xác là như vậy, tổ chức cũng biết rõ nhưng trong quyển Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử và Lịch sử Sư đoàn 312 thì vẫn đề tên người cắm cờ đó là Trần Oanh. Hơn 50 năm trôi qua mà vẫn để như vậy. Cô rất buồn, chưa nói đến những thiếu thốn mất mát về vật chất và tinh thần mà cô đã phải chịu đựng suốt 50 năm qua”. Khi đưa bài đăng từ năm 1954 của báo QĐND viết về chiến công của chú Nguyễn Hữu Oanh trong trận Điện Biên Phủ lên “Trại Nhi đồng của tôi – Những tháng năm lịch sử”, đã nảy ra cuộc tranh luận sôi nổi: Có nên giúp cô trả lại tên cho chú Nguyễn Hữu Oanh trong trận đánh lịch sử này không và nếu làm thì làm như thế nào? Bắt đầu từ đâu vì việc này xảy ra quá lâu rồi?

26-9-2007

Kiến Quốc: Phải bao nhiêu năm sau ta mới biết được chính xác tên tuổi những nhân chứng lịch sử cùng những hành động anh hùng của họ, mà chú Nguyễn Hữu Oanh là một trong những người như thế! Tự hào thay Trại ta có một chú rể như chú Oanh! Đề nghị Minh Tâm thông báo chỗ sai sót trong tác phẩm viết về người cắm cờ Quyết chiến quyết thắng trong trận Him Lam để có thể sửa sai.

Minh Tâm: “Cuốn “Đường về Điện Biên” của Bác Võ Nguyên Giáp, do ai chấp bút thì không biết, nêu người cắm cờ trên đồi Him Lam là Trần Oanh.

27-9-2007

Kiến Quốc: “Đường tới Điện Biên Phủ” hay “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”? Trang nào? Hãy cung cấp thật chính xác vì tôi có cả hai tập. Những thông tin này có thể chuyển cho Văn phòng Đại tướng và bác Văn.

Minh Tâm: Đồng chí cộng tác viên Báo QĐND đã mò mẫm được cả tờ báo ở kho tư liệu cũ kỹ từ những năm 1954, thì Cuốc Cuốc thử mò vào hai quyển đã có sẵn bên mình đó xem chiến sĩ Trần Oanh nằm ở đâu giùm cái!

Kiến Quốc: Nguyên tắc báo chí là phải tuyệt đối chính xác khi đưa tin. Đã đọc quyển “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” mà chưa thấy.

Minh Tâm: Tôi nghĩ người như chú Oanh và cô Thanh không thể bịa chuyện được. Nếu không có chuyện đó thì đồng chí cộng tác viên Báo QĐND Trịnh Thanh Phi đã không phải mất công tìm lại tờ báo cũ từ năm 1954 như vậy.

28-9-2007

Kiến Quốc: Không ai nói bịa, mà cần có thời gian. Nếu biết rồi thì alô để còn làm việc khác.

4-10-2007

Minh Tâm: Ở trong quyển “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, trang 227, NXB QĐNĐ năm 2000, bắt đầu từ dòng 4 (từ trên xuống), do nhà văn – chú Hữu Mai thể hiện, chú mất trong năm 2007, ngay sau khi cô Tụy Phương mất, có ghi:
“Tiểu đội trưởng Trần Oanh dẫn đầu mũi nhọn lao lên như một cơn lốc. Họ bị chặn lại trước ba chiếc lô cốt. Trần Oanh phân công năm chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, riêng anh phụ trách chiếc lô cốt lớn. Oanh bí mật bò tới gần lỗ châu mai, ném vào trong một trái thủ pháo. Lô cốt mẹ bị tiêu diệt. Oanh phất cơ Quyết chiến Quyết thắng vẫy tòan đơn vị đánh vào tung thâm.
Trước sức tấn công quyết liệt của các chiến sĩ ta, một số quân địch sống sót ở Him Lam bỏ đồn, chạy vào rừng tìm đường về Mường Thanh.
23 giờ 30 đêm ngày 13 tháng 3, đồng chí Lê Trọng Tấn báo cáo Bộ chỉ huy chiến dịch: Đại đòan 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bi”.
Chi tiết sai trong họ tên dẫn đến Hồi ký của bác Hoàng Văn Thái và bác Lê Trọng Tấn cũng bị dẫn sai theo vì cùng một nguồn dẫn là Lịch sử Sư đoàn 312 nên tất cả đều sai như vậy. Quyển Lịch sử Sư đoàn 312 do NXB QĐND ấn hành năm 1994, trang 154, dòng 15 (từ trên xuống dưới) ghi:
“Sau loạt bộc phá dữ dội, các chiến sĩ xung kích của tiểu đòan 11 tràn qua cửa mở. Tiểu đội dao nhọn Trần Oanh lao vào trung tâm như lốc cuốn. Bị địch cản lại, Oanh phân công năm chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, còn anh đánh lô cốt mẹ. Sau khi lừa địch, áp sát cửa hầm, chỉ bằng 1 quả thủ pháo Trần oanh đã diệt xong lô cốt mẹ, cắm cờ lên đỉnh lô cốt vẫy toàn đơn vị đánh vào tung thâm.
Trước tấn công mãnh liệt của quân ta, địch còn sống sót hoảng loạn tháo chạy khỏi Him Lam. Trên đường chạy về Mường Thanh, chúng bị tiểu đoàn 154 trung đoàn 209 chặn đánh diệt hơn một đại đội.
23 giờ 30 đêm ngày 13 tháng 3, đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo lên Bộ Tư lệnh mặt trận: Đại đòan 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu tòan bộ vũ khí, trang bi. Ta hy sinh 62 cán bộ, chiến sĩ”.
Điều này cũng dẫn tới ở địa phương quê nhà của chú Nguyễn Hữu Oanh là thôn Phường Nga, xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa mọi người cũng băn khoăn không hiểu chú Nguyễn Hữu Oanh của cô Thanh (của em Dũng, em Thành, em Thảo Nguyên và của chúng ta) có phải là người đã dẫn đầu Tiểu đội xung kích đánh lên Đồi Him Lam khi ấy hay không? Cho nên trong Lịch sử địa phương, gương chiến đấu dũng cảm của chú Nguyễn Hữu Oanh cũng không được ghi trong Lịch sử Đảng Bộ huyện Yên Định – tỉnh Thanh Hóa, cả trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh và Lịch sử Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa cũng không hề có chú Nguyễn Hữu Oanh của chúng ta.

5-10-2007

Kiến Quốc: Như vậy đã rõ lỗi ở đâu! Để làm rõ vấn đề này, phải chuẩn bị tư liệu đầy đủ:
– Photo bài đăng ở Báo QĐND năm 1954, trang lỗi trong “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, “Lịch sử sư đoàn 312″,…
– Các quyết định khen thưởng của chú Oanh (nhất là phần liên quan tới F312);
– Thư của gia đình gửi bác Văn với ý nguyện làm rõ nhân vật trong sự kiện lịch sử trọng đại này;
Sẽ phải chuyển tới Viện Khoa học Lịch sử Quân sự nữa).
Hy vọng chúng ta sẽ làm được 1 việc có ích.

9-10-2007

Kiến Quốc: Chú có quyết định gì của F312 về việc khen thưởng này không? Nên đính kèm khi trình Đại tướng. Đề nghị mail cho tôi thư gốc. Chú mất ngày nào? Hiện an nghỉ ở đâu?

10-10-2007

Kiến Quốc: Tác giả Phạm Thị Trinh có phải vợ bác Nguyễn Chánh em bác Phạm Kiệt, mẹ Nguyễn Chí Hòa trại viên? Có thể hỏi cô Thanh là biết. Không hiểu ngoài ấy có chuyện gì mà lằng nhằng thế? Nói chung phải thận trọng khi phát biểu!.

Minh Tâm: Không có chuyện lằng nhằng, mọi việc rành mạch đúng như đã nêu ở trên. Tất cả mọi người đều phải thận trọng trong mọi cách hành xử của mình, nhất là đối với người lớn tuổi đang có nỗi đau trong người. Nếu không làm được gì cho họ thì đừng làm họ phải đau thêm. Đọc đây:
“Trận mở màn Him Lam qua hồi ức của những người lính Điện Biên
Trong trận Him Lam đã xuất hiện anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình bịt lỗ châu mai cho đồng đội xông lên tiêu diệt quân địch, tiểu đội trưởng Trần Oanh cầm cờ Quyết chiến quyết thắng dẫn đầu tiểu đội mũi nhọn mở đường cho bộ đội tiến vào tung thâm”
(Vietnamnet 13/03/2004)
Cô Thanh và chú Nguyễn Hữu Oanh đã đau nỗi đau này hơn 50 năm rồi. Vào đúng ngày chú mất, có thanh niên là bạn của con cô Thanh đến uống rượu và nói:
“Làm gì có chuyện bố mày cắm cờ trên đồi Him Lam. Tất cả chỉ là chuyện bịa!”

Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười Một 4, 2015

Chuyện các cô gia đình thương binh liệt sỹ (7)

CHÁU CÔ TRANH LUẬN VỀ NGƯỜI CẮM CỜ TRÊN ĐỒI HIM LAM: TỪ LƠ NGƠ ĐẾN BIẾT CHI TIẾT (tiếp)

11-10-2007

Kiến Quốc: Thật ra tôi là người đã nhận nhiệm vụ này và có kế họach thực hiện. Nhưng các bạn lại chọn varian khác. Tốt thôi, chẳng sao vì ai trong chúng ta làm đều tốt. Theo tôi nên tạm cất phần phê phán của bài này đi đã!

Minh Tâm: Tạm cất đi đâu? Làm bố làm mẹ, làm ông làm bà rồi cứ như con nít cả lũ. Chọn varian ấy là vì tình cờ đọc thấy lịch sử lá cờ Quyết chiến quyết thắng của F312 cũng muốn cho cậu ây vinh dự một tý. Cô Thanh lại cứ sụt sịt: “chú còn cậu em trai hi sinh mà bây giờ cũng chẳng biết ở đâu”. Các cậu có trực tiếp đi tìm hiểu đâu mà cảm nhận dược nó thế nào.
Thôi, ngày mồng một đầu tháng tôi cất bớt một phần thôi. Bác có giọng to, bác hô mọi người, ai muốn có đĩa DVD Hội trại 2 có hình của mình thì đến chị Minh Tâm ở 65 Văn Miếu – Hà Nội mà lấy kèm theo tờ 50.000đ chi phí san đĩa, phần còn lại để đóng quỹ.

Kiến Quốc: Tớ quá hiểu và cũng may mắn là đã “từ quan” nên có nhiều thời gian dành cho bạn bè, cho việc nghĩa. Theo mình làm gì cũng phải chuẩn bị thật cẩn thận, nếu chỉ ào ào sợ không xong. Nghe cô nói mà thương! Còn sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử,… không phải ai cũng hiểu biết như ai. Có thể chưa được học, có thể chưa đọc đến v.v… Chỉ có người nào gặp, vấp mới hiểu hết sự tình. Trách cứ khó lắm.

12-10-2007

Kiến Quốc: Bọn mình không phải là người quen hứa suông, thực tế đã chứng minh. Bọn mình đã hứa là làm, song cũng có những việc đột xuất “bất khả kháng”, nhất là lính, thì cũng phải có những sắp xếp lại cho phù hợp.

13-10-2007

Hồ Bá Đạt: Chị Tâm có chồng là lính không? Khi đó chị mới hiểu lính như thế nào? Trước đây những người Nam Bộ tập kết ra Bắc họ hứa đi có 2 năm, thế mà họ đi suốt 20 năm. Bộ đội thì Tổ quốc là trên hết, nên họ có lỡ hẹn là chuyện bình thường không ai dám trách bộ đội cả? Tôi hiểu là chị nóng ruột, nhưng chuyện này không thể làm nhanh được, vì đã hơn 50 năm rồi, tất cả những người chứng kiến đều đã mất, kể cả người viết Bác Giáp cũng khó có thể? Vì đã già quá rồi, hơn nữa bác lại ở cương vị cao quá, dưới báo cáo lên. Bây giờ chỉ còn cách chứng minh tiểu đội xung kích tham gia chiến dịch đó có duy nhất một người tên Oanh. Bằng khen, huân, huy chương nếu có? Đòi xem lại lịch sử quá khó? Vì nội chuyện xem xét ai viết lời cho lời đầu hàng của Dương văn Minh 30/4/1975 mới đó mà còn cãi nhau, nhân chứng còn sống đàng hoàng.

Kiến Quốc: Tâm nói từ “lính cậu” nghe thế nào ấy!? Dễ mất bạn. Mà sinh hoạt của chúng ta là gì? Là cần bạn. Còn nỗi đau! Chả nhẽ chúng mình không hiểu nỗi đau của cô, của em, của bạn? Bạn bọn tớ 27 người hy sinh mà 12 người chưa thấy mộ phần. Có đau không? Đau quá đi chứ, cũng hơn 30 năm nay rồi. Để giảm bớt nỗi đau ấy phải làm nhưng không phải ngày một ngày hai. Mình đã khoác áo lính “mỗi” 25 năm nên nhất trí những gì Đạt viết. Đã trao đổi với chú Đại tá Hoàng Minh Phương, cộng tác viên Văn phòng bác Văn; đã trao đổi với con gái bác Văn thì: việc này làm được nhưng cần phải qua nhiều khâu từ Văn phòng đến Viện Khoa học Lịch sử Quân sự, F312… Ngay bác Văn cũng không làm trực tiếp được.

15-10-2007

Hồ Bá Đạt: Chị nên nhớ cứ điểm Him Lam là một ngọn đồi nhưng có 3 trọng điểm. Nên có 3 đơn vị tham gia, giải phóng từng trọng điểm là từng thời điểm khác nhau. Đừng vì bức xúc chuyện nhầm tên chú Oanh nên không thèm để ý những chi tiết khác? Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG hôm nay có đăng chuyện người phụ nữ hơn 30 năm ngóng chồng (1946-1976), khi gặp thì chồng bị tai nạn khi về giải phóng SÀI GÒN không còn biết gì nữa. Khi chết không được công nhận liệt sĩ. Đời còn nhiều chuyện bất công lắm, cần những người có tâm, có tầm.

16-9-2007

Minh Tâm: Đúng như vậy. Tôi có nói gì khác đâu: trên một ngọn đồi Him Lam nhưng có 3 cứ điểm, bị 3 cánh quân của ta tiêu diệt vào 3 thời điểm khác nhau. Cho nên cũng là chiến công cắm cờ nhưng Trần Can cắm cờ vào thời điểm đầu tiên (quyết chiến), còn chú Nguyễn Hữu Oanh cắm vào thời điểm quyết định (quyết thắng).
Có phải vì bức xúc mà quên những chi tiết này đâu. Chỉ vạch rõ cho mọi người thấy: Chiến công của Trần Can và chiến công của Nguyễn Hữu Oanh là hai chiến công hoàn toàn khác nhau, không phải là một. Đây là hai anh hùng có thật, cùng Đại đoàn 312 cùng đánh đồi Him Lam trong cùng một ngày nhưng không cùng Trung đoàn và Tiểu đoàn, không trùng tên họ, với hai chiến công ở hai thời điểm khác nhau trong trận đánh đồi Him Lam. Còn Trần Oanh là một anh hùng không có thực. Cũng nhờ có sự sai sót này mà bà con lại đâm ra nghiên cứu kỹ lịch sử QĐNDVN hơn. Thế mới hay. Có điều không nên để một Trần Oanh – một Lý Thông không là ai cả mà được mọi người ca ngợi suốt năm này qua năm khác, hàng nửa thế kỷ. Còn chú Nguyễn Hữu Oanh của cô Thanh thì cho đến chết vẫn bị chìm vào lãng quên. Đối với chúng ta thì có vẻ”không sao”, nhưng đối với lịch sử dân tộc là ”có vấn đề”, đối với người thân của chú Nguyễn Hữu Oanh là cả một ”vấn đề nghiêm trọng” về danh dự, giải quyết chính sách. Và cao hơn nữa là cách nhìn của lớp trẻ đối với sự hy sinh quên mình của những người đi truớc và hành động của họ đối với các vấn đề nước sôi lửa bỏng hiện nay của đất nước.
Về câu hỏi ”chị Tâm có chồng là lính không?”. Thì câu trả lời là: Có! Là lính sịn. Chưa bao giờ là sĩ quan và chưa bao giờ là linh văn phòng. Lúc nào cũng là lính kế toán và tính toán ngoài chiến trường, lúc thì tính cơm áo gạo tiền cho anh nuôi, lúc thì tính toán cho súng ống. Chồng tôi vào lính từ Khoa Cơ khí Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh ấy cũng là dân chuyên Toán như Nguyễn Văn Thạc, và cũng nhập ngũ đúng hôm Thạc lên đường nhập ngũ từ Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp. Cũng như Thạc, anh ấy phải để lại bọc sách vở yêu quý của mình ở phía Bắc Miền Trung để vượt qua chiến trường Quảng Trị ác liệt. Khi đi qua đây, xe tải quân sự chở các anh và gạo đang trên đường vào Nam bị đổ, nhưng anh rơi lại vào giữa những bịch gạo còn xe úp lên trên nên may mắn thoát chết. Sau đó cùng sư đoàn 325 tiếp tục hành quân vào Nam tham gia giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 vào tận Kho Long Thành. Khi về miền Bắc, không thấy mang theo búp bê buộc trên ba lô như các chú bộ đội thời bấy giờ mà lại mang theo một đống sổ sách, từ điển,… từ Sài Gòn ra. Anh kể: Đoạn trèo đèo lội suối vượt Trường Sơn sau Quảng Trị còn dài và gian khổ gấp đôi đoạn mà anh Thạc đã mô tả trong nhật ký của mình. Năm 1978 anh ra quân, lại học tiếp ở Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau đó sang Bỉ tiếp tục học Đại học về ngành cơ khí. Có lẽ qua đó tôi cũng hiểu được sơ sơ về lính và những người làm việc kỹ thuật. Tôi im lặng, không trả lời ngay vì đó là chuyện riêng của mỗi người, có người thích nói có người không. Nhưng im lặng thì mỗi người lại hiểu một cách khác nhau, vì thế nói rõ ràng vẫn hơn.

26-10-2007

Hồ Bá Đạt: Chị nói đúng, nhưng chưa cụ thể. Lịch sử sẽ phán quyết một cách công bằng hơn. Hiện tại thì không thể đòi hỏi hơn, vì các nhà viết sử đang lo cơm, áo, gạo, tiền? Chiến tranh đã đi qua, nhưng có ai nhắc đến những người góp sức để làm nên chiến thắng, ngoài những vị chỉ huy chiến trường? Nếu không có họ lo hậu cần, nhân sự thì tướng có giỏi mấy cũng không thể chiến đấu, chiến thắng. Rồi công tác hậu phương, ai lo để người ngoài chiến tuyến yên tâm đánh giặc? Chim hồng hộc muốn bay cao thì phải nhờ ngàn lông cánh. Chị đừng nên bận tâm quá vì những chuyện như thế này. Sẽ có lúc người ta sẽ nhìn lại và sẽ nhận ra sự thật chỉ có một.

Minh Tâm: “Sẽ có lúc người ta sẽ nhìn lại và sẽ nhận ra sự thật chỉ có một?”. Lúc nào nữa hả bạn, nếu không phải là lúc này? Bởi chiến tranh đã kết thúc hơn 50 năm mà chú Nguyễn Hữu Oanh vẫn chưa được công nhận, còn cô Tụy Phương thì đã về hưu hơn 25 năm rồi mà lúc mất thì thế. Các cô chú đang lần lượt ra đi, còn các cháu của các cô chú thì đang bước vào tuổi già, rồi cũng sẽ ra đi. Nếu ai cũng tất bật việc cơm áo gạo tiền mà không nghĩ đến việc phải làm rõ thì cái ngày “sau này người ta sẽ nhìn nhận lại” là không thể có. Vấn đề là ai đứng ra để nhìn nhận lại nếu không phải là các nhân chứng lịch sử? Mà các cháu ở các Trại Nhi đồng của HLHPNVN cũng là những nhân chứng lịch sử. Tôi thiết nghĩ việc các cháu phải đi mò mẫm lại các tư liệu lịch sử về các cô chú của mình là cũng đã quá muộn rồi. Đáng lý ra chúng ta phải làm rõ được từ khi các cô chú còn sống và còn tỉnh táo kia. Còn phải cụ thể đến mức nào nữa?

Hồ Bá Đạt: Chị xem lại lịch sử xem, có bao giờ người đương thời nhìn nhận mình sai đâu? Chỉ có thế hệ đi sau xem xét thôi. Lúc đó họ nhìn quá khứ bằng con mắt khách quan. Chị có vẻ nóng ruột quá? Ba, má tôi và nhiều người khác còn nóng hơn chị, nhất là người trong cuộc. Họ bức xúc cho đến lúc chết. Chúng ta cũng thế không thể làm khác hơn? Ước gì chúng ta có sức khoẻ, sống lâu hơn để nhìn đất nước mình nhìn nhận lại lịch sử như Trung Quốc nhìn nhận lại các nạn nhân của Cách mạng văn hoá.

Minh Tâm: Trong chiến tranh người ta đã hi sinh quên mình rồi. Thế mà trong hòa bình lại vẫn bắt người ta phải quên mình bằng cách tự quên lãng chiến công, đóng góp của mình một cách vô lý như vậy là sao? Chứng cứ thì đã rõ rành rành. Bài thơ của bác Lân tặng chú Nguyễn Hữu Oanh nói về chiến tích cắm cờ trên đồi Him Lam của chú mà tôi đã đưa lên cho các bạn xem rồi, là của Trưởng ban Tổ chức HLHPNVN, hơn thế nữa bác là vợ Tướng Nguyễn Chánh. Bài báo QĐND từ tháng 7/1954 cũng nói về chú Nguyễn Hữu Oanh – A trưởng xung kích, đâu phải dễ mà có được để đưa lên đây cho mọi người thấy? Làm sao những con người như thế lại có thể bịa chuyện được cơ chứ? Những cái này mà còn không dám sửa thì sao mà sửa được tư duy kinh tế cũ kỹ, thậm chí sai lè lè để phát triển được cơ chứ. Bản thân sự khen chê đúng chỗ, đúng lúc. đúng người, đúng việc đã là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Tại sao Cụ Hồ lại có thể động viên được cả nước từ người trí thức ở nước ngoài, tư sản giàu có ở thành phố, đến những người nông dân, công nhân nghèo khổ, mọi tầng lớp nhân dân, người dân tộc thiểu số,… cùng đồng lòng tham gia Cách mạng tháng 8, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thi đua lao động sản xuất trong thời bình? Tình trạng người đáng khen thì không khen, đưa họ vào tù; còn người đạo đức giả, chẳng làm gì nên công cán thậm chí phá hoại thì khen hết bằng nọ, huy chương kia là cách tốt nhất để kìm hãm xã hội phát triển. Điều nguy nhất là người lớn tuổi còn chưa trân trọng lịch sử đất nước, chưa trân trọng sự thật thì làm sao mà lớp trẻ họ trân trọng được chứ? Họ có ngu đần đâu mà không biết phân tích để nhìn rõ sự thật.
Thế hệ ông cha đã phải vật lộn với các cuộc chiến tranh để chiến thắng giặc ngoại xâm. Thế hệ của chúng ta cũng phải vật lộn với những tư duy cũ kỹ kìm hãm nền kinh tế hàng chục năm sau chiến tranh để làm nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới nền kinh tế. Một trong những yếu tố làm nên kỳ tích đó là biết tôn trọng sự thật, tôn trọng quy luật kinh tế, không được duy ý chí đi ngược lại quy luật phát triển kinh tế. Vì thế nếu có sai sót chúng ta phải biết công nhận sai sót của mình, không được vòng vo ngụy biện, bênh vực cho những sai sót của mình.

27-10-2007

Hồ Bá Đạt: Trái tim trong sáng – Đúng với tên của chị! Chị nghĩ cái gì cũng phải trong sáng? Ba, mẹ chúng ta cũng dạy thế. Thế chị đã làm cái gì để mọi sự nó phải đúng như chị hằng mong? Chị có thể đưa mọi bằng chứng cho báo chí đăng? Không cần phải nhờ người này, người kia. Nếu cần chi phí chị cứ cho ý kiến.

9-11-2007

Kiến Quốc: Đang có dịch. Cấm mắm tôm! Chậc! Cô Ca độ này thế nào rồi nhỉ? Lần này ra lại bận quá nên không thăm cô được. Thôi lần sau vậy.

10-11-2007

Kiến Quốc: Sau Hội trại, do mất nhiều sức lực nên mọi người đang ốm yếu, sức đề kháng kém. Không thể tiêu hóa nổi mắm tôm, nếu ăn mắm tôm sẽ vào toalet ngay. Hơn nữa trong các bài này không có ai nói ”em Dũng đào ngũ”,… cả chứng tỏ đọc không đến nơi đến chốn. Chỉ thích phê phán tùy tiện. Vào forum là để mang lại niềm vui cho nhau hoăc để chia sẻ những điều buồn. Thế thôi.

24-11-2007

Minh Tâm: Ai xóa mất comment tôi trả lời bác Đạt là chồng tôi là lính “sịn”, chưa bao giờ là sĩ quan, chưa bao giờ là lính văn phòng thế? Tây Bắc hả? Muốn “chiếu tướng” không? Quân khu Nam Đồng không có sợ quân khu Cột Cờ đâu nhớ!

Hồ Bá Đạt: Mọi người đã làm hết sức mình để cho các cô vui và mọi người vui trong Hội trại, để làm sáng tỏ nhiều nỗi đau của các cô đã phải chịu đựng trong hàng chục năm qua mà cho đến giờ vẫn chưa ai giúp các cô đến nơi đến chốn cả. Việc bây giờ là phải tiếp tục làm cho nhau vui hoặc san sẻ những nỗi buồn để đủ sức đi đến tận cùng của sự thật, góp phần làm dịu những nỗi đau đó. Ai cũng bận, ai cũng nhiều khó khăn, vậy mà trong khi mọi người đang cố gắng đến suy kiệt cả sức lực của mình mà vẫn trách móc thì thử hỏi có ai chịu được không? Nếu đọc kỹ thì sẽ thấy người ta đã chịu khó tỉ mỉ sửa cả những chỗ đã biết sai như: cô Lân không phải là vợ chú Nguyễn Sơn mà là vợ của chú Chánh (khi tìm hiểu có phải cái gì mọi người cũng nhớ đúng đâu, nhất là sự việc đã xảy ra lâu quá rồi),… đó là chưa kể không ai nói là em Dũng (con chú Nguyễn Hữu Oanh) đào ngũ cả. Nếu chịu khó theo dõi xu hướng báo chí hiện nay thì sẽ thấy đang diễn biến rất phức tạp, nhiều chuyện rõ như ban ngày mà vẫn không được làm rõ ràng. Nếu ai thực sự muốn giúp các cô thì với những điều mà mọi người tìm hiểu trên trang WEB này cũng có thể tự đưa lên báo chí để làm rõ được, sao lại cứ phải là người khác mà không phải là mình?

25-8-2008

Đinh Quang Tuấn: Các ông các bác ơi, cháu đang đi tìm phần mộ của ông cháu là Liệt sỹ Nguyễn Yêm. Quê quán: xã Thạch Liên, Huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ ngày 07/07/1950. Đơn vị chiến đấu: tiểu đoàn 130, trung đoàn 209, sư đoàn 312 (D130-E209-F312). Hi sinh ngày 04/04/1951 tại Hồng Giám – Hồng Gấm – Hồng Quảng (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Ai biết phần mộ của ông cháu làm ơn báo giúp về địa chỉ: Đinh Quang Tuấn, trú tại số nhà 20 ngõ 470/61 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà nội. Điện thoại: 04.5540582. Di động: 0943426926. Cháu xin vô cùng cám ơn.

4-11-2015

Minh Tâm: Mình là người hay ghi lại những câu chuyện các cô kể lại trong mỗi lần đến thăm các cô. Còn nhớ cô Thanh kể: “Đúng là trong nhà cô có một đứa đào ngũ, là thằng Thành chứ không phải thằng Dũng. Đó là vào hồi chiến tranh biên giới. Chú tức lắm, đánh nó. Chú bảo: “Bố là con hổ mà mày là con thỏ à?”. Nó nói: “Ngày xưa bố bị mù mắt, cụt tay thì còn có mẹ yêu, mẹ lấy bố. Chứ bây giờ con bị thế thì chó nó lấy con. Mà bố xem bố hy sinh như thế có được cái gì đâu, có ai nhớ là bố đã cắm cờ trên đồi Him Lam đâu”. Chuyện buồn chẳng muốn ghi lại nhưng bây giờ thấy cần nói ra để mọi người hiểu vì sao cần phải ghi nhận đúng chiến công của người đã hy sinh, nhất là khi quân đội đang cần huy động thanh niên lên đường tòng quân bảo vệ biên giới biển đảo của Tổ Quốc.

Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười 31, 2015

Chuyện nhà các cô gia đình thương binh liệt sỹ (5)

THÀNH TÍCH CHIẾN SỸ THI ĐUA ĐIỆN BIÊN PHỦ – TẬP 5 CHIẾN THẮNG – in trong dịp Đại hội Mừng công Toàn đoàn tháng 6-1954 (Tài liệu lưu tại Thư viện TƯ Quân đội)

Ngày 27/10/2015, anh Trịnh Thanh Phi vừa trịnh trọng trao cho Nguyễn Thảo Nguyên – con gái chú Nguyễn Hữu Oanh và cô Nguyễn Thị Thanh – một tài liệu in trong dịp lễ Mừng công toàn đoàn ngay tại trận Điện Biên Phủ vào tháng 6/1954 là Bản thành tích Chiến sỹ thi đua Điện Biên Phủ trước sự chứng kiến của vợ anh và Minh Tâm. Bản viết bằng tay để kịp phổ biến toàn chiến dịch trong điều kiện vô cùng gian khổ và ác liệt lúc đó để động viên toàn quân. Tài liệu này đang được lưu giữ tại Thư viện Trung ương Quân đội, trong đó nêu rõ tên chú Nguyễn Hữu Oanh, quê quán và thành tích của chú từ khi nhập ngũ cho tới khi chú cắm được lá cờ Quyết chiến Quyết thắng trên đồi Him Lam: 

WP_20151029_001WP_20151031_024

NGUYỄN HỮU OANH NÊU CAO LÁ CỜ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRÊN ĐỒI HIM LAM

Xã Yên Thọ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa là quê ương thân yêu của Oanh. Nói đến gia đình Oanh thì cũng như trăm vạn nông dân vất vưởng nghèo khổ khác. Ruộng không có một sào, từ ngày lọt lòng mẹ đã phải sống ở dưới ngôi nhà rách, nhà có bảy anh em, năm trai và hai gái, sáu người phải đi ở chăn trâu cho địa chủ. Mùa đông giá lạnh thân bọc một manh áo rách ra đồng kiếm cỏ chăn trâu. Suốt 17 năm trời Oanh không biết no ấm là gì nữa. Bố Oanh hàng ngày hết làm thuê lại vào rừng kiếm từng cái rễ cây làm thuốc đem bán để kiếm ăn. Mẹ thì đi mót ruộng…

Năm 1945 Cách mạng tháng 8 thành công, gia đình Oanh như sống lại. Thế rồi hai anh đều vào bộ đội tháng 9 năm 1945, Oanh cũng nhất quyết đi tòng quân,…

Sông Đà nước chảy mạnh, lệnh gấp rút hành quân vượt sông để nổ súng tấn công… Thuyền không có, đơn vị phải lội qua sông, lệnh trên truyền xuống: “Ai không biết lội thì ở lại, ai biết lội thì phải vượt qua sông đi chiến đấu”. Lệnh ấy truyền đi, Oanh nhìn nước sông chảy mạnh, bản thân mới tập lội, anh nghĩ ngay: “Có quyết tâm thì không gì ngăn trở được”. Không do dự anh đã vượt sông qua làn sóng lũ.

Đồn Balay cao ngất. Tiếng bộc phá vừa dứt, Oanh cùng tiểu đội leo lên. Tổ Oanh có nhiệm vụ kiềm chế hỏa điểm cho đơn vị xung phong. Hai đợt xung phong bị bật xuống. Hỏa lực địch tập trung bắn dữ. Một số đồng đội bị thương vong, Oanh hơi sợ giây phút thoảng qua. Anh nghĩ đến gia đình, nghĩ đến chỉnh huấn, trước sự hy sinh của đồng đội Oanh lại lao lên liên tiếp ném mấy quả đạn vào lôcốt trước mặt và nằm xuống nâng rào cho đơn vị xung phong. Vào tung thâm bị mất liên lạc với tiểu đội, Oanh tự động phối hợp chiến đấu. Thế là trận đầu tiên trong cuộc đời chiến đấu Oanh đã làm tròn được nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ hạng 3.

Đánh xong Balay, đơn vị Oanh lại được lệnh tiêu diệt vị trí S.H. – một vị trí kiên cố trên phòng tuyến sông Mã. Oanh bị đau chân, nhưng nghĩ đến Đảng, nghĩ đến một số đồng chí đã bị hy sinh, Oanh không hề do dự quyết tâm cùng đơn vị hành quân đến đích. Oanh ở tổ xung kích đầu tiên. Trước lúc xuất quân ra trận Oanh làm Quyết tâm thư chiến đấu đến cùng. Đồng chí Chính trị viên bắt tay anh dặn dò: “Đảng luôn chú ý đến đồng chí. Đồng chí đã lập công ở Balay, lần này đồng chí lập công Đảng sẽ ghi công cho đồng chí”. Lệnh xung phong, Oanh cùng Tiểu đội lao lên thọc sâu vào đồn địch. Phút đầu tiên Oanh đã tiêu diệt hai lôcốt và một nhà của địch. Đánh gần xong Oanh bị trúng đạn. Nhưng mặc, băng bó xong lại cầm súng chiến đấu. Tổ trưởng bị thương, Oanh ức đến tận cổ, chỉ huy hai tổ viên tiêu diệt đến cùng những tên địch còn lại. Thế là trận thứ hai Oanh đã hoàn thành nhiệm vụ và lần này được tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ hạng 2.

Sau chỉnh quân Oanh được tặng thưởng Huân chương hạng 3, tổng kết thành tích một năm Oanh lại được thưởng một Huân chương nữa và được bầu làm Chiến sỹ Thi đua của Trung đoàn, Đại đoàn.

Ngày 21/11/1953 Oanh được kết nạp Đảng, trước Đảng kỳ Oanh thề chiến đấu đến cùng, nếu cần tôi sẽ hy sinh cho Đảng”. Cũng từ đó Oanh nhận chức Tiểu đội phó…

Trên đường hành quân ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Oanh luôn nêu cao vai trò Chiến sỹ Thi đua dẫn đầu đơn vị hành quân đến đích, công tác lúc nào cũng bền bỉ cần cù, nét mặt luôn vui vẻ động viên đồng đội hành quân. Gần sáng Oanh lại căm cụi đào công sự, Oanh nói: “Chúng ta muốn chiến đấu thì phải bảo vệ lấy ta lúc này”. Đào xong của tổ mình lại sang đào cho tổ bạn. Hết hành quân đến kéo pháo, làm đường Oanh không hôm nào vắng mặt. Kết thúc đợt chuẩn bị này Oanh được bằng khen của Bộ Tư lệnh.

Cắm cờ của Bác trên đồn Him Lam

Tiếng súng lịch sử tấn công Điện Biên Phủ bắt đầu. Đơn vi Oanh cùng đơn vị bạn tiệu diệt đồn Him Lam, một vị trí kiên cố ngoại vi của tập đoàn Điện Biên Phủ. Oanh vinh dự nhận nhiệm vụ tổ trưởng tổ mũi nhọn thọc sâu cắm cờ vị trí giặc. Cả tổ xúm quanh lá cờ Bác hứa hẹn: “Người trước ngã người sau lên, cắm cho được lá cờ của Bác trên đỉnh Him Lam”. Trong tổ có hai tân binh, Oanh đi sát giúp đỡ, đồng chí tân binh trẻ nhất cũng hứa sẽ cương quyết chiến đấu đến cùng. Oanh sung sướng đến quên cả ăn, mượn sa bàn về cả tổ nghiên cứu lại kế hoạch, nhớ rõ từng ụ súng, ngách hào, nhằm rõ con đường thọc sâu vào chỉ huy sở…

Đã đến giờ xuất kích. Trước lá cờ của Bác, Oanh hứa: “Tôi biết bọn địa chủ và đế quốc là kẻ thù của tôi, tôi sẽ tiêu diệt hết chúng nó vì tôi không muốn làm trâu ngựa cho chúng. Vì vậy tôi quyết cắm được lá cờ của Bác hôm nay. Dù bị thương tôi cũng quyết không rời trận địa”.

Nằm đợi giờ phát hỏa, địch tới tấp bắn vào trận địa hòng ngăn cản bước tiến của quân ta. Thời cơ xung phong sắp đến, một tân binh trong tổ bị thương, Oanh ứa nước mắt nhìn bạn và nói: “Chúng tôi sẽ trả thù cho đồng chí, tổ ta nhất định cắm được cờ”.

Hỏa lực địch vẫn chằng chịt trước đột phá khẩu, không do dự Oanh cầm chắc súng, sau lưng cắm lá cờ, theo sau hai tổ viên. Vừa lao lên được một đoạn địch bắn túi bụi. Thấy một số đồng đội bị thương vong Oanh hơi sợ, nhưng nghĩ đến trách nhiệm vinh quang trên tin tưởng, nghĩ lá cờ này là do bao nhiêu gian khổ đấu tranh của Bác, do xương máu của bộ đội, của nhân dân mới có giao cho mình, Đảng chỉ cần lúc này. “Không thể sợ được, phải tiêu diệt!”, một phút đấu tranh qua. Oanh thét lớn: “Xung phong! Xung phong!”. Dứt lời, Oanh lao luôn một quả thủ pháo vào lô cốt trước mặt. Súng địch tắc ngay. Vừa tiến lên được mấy bước nữa thì một quả lựu đạn địch rơi ngay xuống. Oanh nhanh nhẹn ném ngay vào ngách hào. Lựu đạn nổ. Lại một tổ viên nữa bị thương, trong khói thuốc còn đen nghịt Oanh nói khẽ: “Quay về sau, tôi sẽ trả thù”. Tổ chỉ còn hai người, đồn rộng, ngõ ngách hào ụ lổn nhổn. Hai người lặng thinh để giữ bí mật. Nhìn lô cốt chỉ huy cách 50 thước trên đồn địch, hai mắt Oanh nảy lửa, cầm chắc súng trên tay, mặc cho tứ phía hai bên đạn thằng địch bắn tới, Oanh cùng tổ viên chạy thẳng đến cách lô cốt chỉ huy 5 thước nữa, địch chống cự mạnh. Nhằm lúc bất ngờ Oanh lao trúng giữa lỗ châu mai địch, một thủ pháo nổ, trong khói còn đen nghịt, Oanh nhảy lên cắm lá cờ Bác trên đỉnh lô cốt chỉ huy sở. Oanh nhảy xuống, tứ phía súng địch nổ ran, một mặt chúng ngăn đường tiến của mũi bạn, một mặt chúng bắn vào lô cốt chỉ huy. Bấy giờ đã mệt lắm. Oanh định nằm lại, Oanh nghiến răng nghĩ lại: “Lời thề với Đảng hôm nào… rồi bao nhiêu đồng đội hy sinh… hình ảnh đồng bào gày còm ngồi ăn củ nâu hôm ấy hành quân qua Balay, Oanh và Chính ủy đã ứa nước mắt đau sót…”. Nghĩ đến đấy Oanh vùng lên, ghì súng tiến dần tới hỏa điểm gần đó, diệt xong lại tiêu diệt thêm hai hỏa điểm nữa. Súng địch tắt, tiếng xung phong vang dậy của quân ta khắp các mũi, tiêu diệt hoàn toàn địch ở Him Lam.

Sau trận đánh này Oanh được tặng thưởng huân chương Chiến sỹ hạng nhất và được lên báo cáo Đại tướng và được nói chuyện với các đơn vị bạn.

Nhưng giữa chiến dịch anh đã bị một tay cụt, ngày nay hai mắt đồng chí đã mù. Oanh có lúc phát điên lên vì thấy mình không còn chiến đấu được nữa. Nhưng Oanh nghĩ rằng mình còn thở được thì còn phục vụ được. Oanh cũng sung sướng vì đã làm tròn nhiệm vụ.

Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười 28, 2015

Chuyện nhà các cô gia đình thương binh liệt sỹ (4)

CÓ BA CỨ ĐIỂM BỊ TIÊU DIỆT VÀ HAI NGƯỜI CẮM ĐƯỢC CỜ TRÊN ĐỒI HIM LAM TRONG NGÀY MỞ ĐẦU TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ 1954

Minh Tâm ghi lại 

Xem lại Hồi ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn, người chỉ huy Đại đoàn 312 đánh đồi Him Lam do NXB QĐND in năm 2004, ở trang 60 và 232, cùng một số bài báo về chiến thắng Điện Biên Phủ thì thấy trong ngày mở đầu trận đánh 13/3/1954:

Có ba cứ điểm trên đồi Him Lam bị tiêu diệt:

– Cứ điểm 3 là cứ điểm thứ yếu: Tiểu đoàn 130 (Trung đoàn 209) của Trần Can nhận nhiệm vụ tiêu diệt. Đánh lúc 17 giờ và chiếm xong lúc 18 giờ 21 phút ngày 13/3/1954;

– Cứ điểm 2 là cứ điểm trọng yếu: Tiểu đoàn 428 (trung đoàn 141) của Phan Đình Giót nhận nhiệm vụ tiêu diệt, đánh lúc 19 giờ và chiếm được lúc 21 giờ (sau 2 giờ chiến đấu) ngày 13/3/1954;

– Cứ điểm 1 là cứ điểm then chốt mạnh nhất của trung tâm đề kháng Him Lam – cứ điểm tung thâm nên gay go nhất trong trận đồi Him Lam: Tiểu đoàn 11 (Trung đoàn 141) của Trần Oanh (thực ra phải là Nguyễn Hữu Oanh) nhận nhiệm vụ chủ yếu. Cứ điểm này bị tiêu diệt hoàn toàn lúc 22 giờ 30 phút ngày 13/3/1954 (vượt kế hoạch đề ra trước khi đánh là 30 phút).

Có hai người cắm được cờ trên đồi Him Lam vào ngày này:

– Đồng chí Trần Can phất cờ Quyết chiến Quyết thắng trên cứ điểm 3. Đây là lá cờ chiến thắng đầu tiên của quân ta cắm được trên trận địa phòng ngự của địch mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ;

– Đồng chí Phan Đình Giót mặc dầu trên người mang vết thương đau đớn, một mình đã giật liền 4 ống bộc phá mở toang đường vào vị trí. Rồi vết thương thứ 2 trúng bả vai, vẫn dùng tiểu liên thủ pháo kiềm chế 2 hỏa điểm một lúc. Khi đó xung kích vẫn chưa lên được vì hỏa điểm lợi hại số 3 của địch bắn mạnh xung kích ứ lại. Đồng chí nghiến răng lê dần tới sát lô cốt số 3 rồi ngã người bịt kín lỗ châu mai. Súng địch tắc hẳn. Trung đội xung kích nắm thời cơ xốc lên ào ạt;

– Đồng chí Trần Oanh (tức Nguyễn Hữu Oanh) phất cờ Quyết chiến Quyết thắng thứ hai trên cứ điểm 1, đánh dấu hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Him Lam, thu toàn bộ vũ khí địch.

Mặc dù không cắm được cờ ở cứ điểm 2, nhưng sự hy sinh của Anh hùng bịt lỗ châu mai Phan Đình Giót không những đã tiêu diệt được cứ điểm trọng yếu này mà còn mở đường cho trung đội xung kích của Trần Oanh (tức Nguyễn Hữu Oanh) tiêu diệt cứ điểm 1 và cắm được lá cờ Quyết chiến quyết thắng thứ hai trên ngọn đồi này.

Ở trang 237 Hồi ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn cho thấy mặc dù lỗ châu mai thứ 3 ở cứ điểm 2 đã bị bịt, nhưng để sống sót và cắm được cờ lên cứ điểm then chốt mạnh nhất của trung tâm đề kháng Him Lam, đồng chí Trần Oanh (tức Nguyễn Hữu Oanh) cũng phải nhanh chóng ra quyết định rất thông minh thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao:

”Hoả điểm của địch bị dập tắt. Tiểu đội trưởng Trần Oanh ((tức Nguyễn Hữu Oanh) nhảy lên mặt đất chia mục tiêu cho các chiến sĩ trong tiểu đội mỗi người đánh một lô cốt. Sau trận đánh tôi có hỏi Oanh:

– Vì sao đồng chí không cho tiểu đội phát triển theo hào giao thông của địch?

Oanh cười rất hiền:

– Báo cáo anh, em nghĩ theo hào phát triển chậm quá vì sau khi hỏa lực ta cấp tập, chúng nó chỉ choáng váng trong có vài phút. Nó mà hồi tỉnh thì lôi thôi to!

– Thế đánh trên mặt đất, Oanh không sợ thương vong à?

– Báo cáo anh, hào giao thông chúng nó đã tính sẵn. Còn mặt đất thì chúng nó không ngờ. Anh chả dạy chúng em là hãy làm những điều mà địch cho là ta không làm được là gì!

Thì ra cái sáng tạo, cái mạo hiểm của tiểu đội trưởng Trần Oanh (tức Nguyễn Hữu Oanh) đã được tính toán: đánh theo cách mà địch cho là ta không dám đánh”.

Ý nghĩa của chiến thắng đồi Him Lam đối với toàn bộ trận Điện Biên Phủ:

Trong Hồi ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn:

“Tôi cho gọi Giắc-cơ lên. Hắn tròn xoe mắt kinh ngạc trước cái tin Bêa-tri-xơ bị diệt. Hắn nói, lần này cũng nói thật:

– Thưa ngài, ngài đánh được Him Lam thì ngài có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ!

Him Lam, cụm cứ điểm mạnh nhất được phòng ngự hiện đại chưa từng có đã bị tiêu diệt. Pháo của ta “bò” lên được các đỉnh cao bao vây lòng chảo Điện Biên. Sự xuất hiện của pháo cao xạ, tất cả đối với bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp và bộ tham mưu của Đờ Cát là những điều không dự kiến trong kế hoạch phòng thủ Điện Biên”.

Kết luận:

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Phan Đình Giót được đề nghị tặng thưởng huân chương Quân công hạng 2 và suy tôn là Anh hùng bịt lỗ châu mai. Đồng chí Trần Can cũng đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu vào trung tâm Mường Thanh sáng ngày 7/5/1954 . Ngày 7/5/1956 Liệt sỹ Trần Can được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Chỉ đồng chí Nguyễn Hữu Oanh, A trưởng xung kích trận đánh tiêu diệt cứ điểm 1 đồi Him Lam ngày mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ là còn sống sót trở về với đôi mắt bị mù, một tay cụt và tay kia cũng chỉ còn 4 ngón. Nguyễn Hữu Oanh trở về với cuộc đời bình dị: yêu và được yêu, cưới người vợ hiền là cô mẫu giáo Nguyễn Thị Thanh, sinh ra ba đứa con và cả gia đình cùng sống hàng chục năm trong căn nhà cấp 4 do HLHPNVN phân cho cô. Đồng chí được thưởng nhiều huân chương nhưng không được phong Anh hùng, vì đã có Trần Oanh – nhân vật Lý Thông không cụ thể, không quê hương, không vợ con, hiện nay không biết sống ở đâu, không biết nay là ai,… thay thế được ca ngợi hơn nửa thế kỷ nay, còn Nguyễn Hữu Oanh thực thì bị quên lãng thật. Tuy vậy, cô chú vẫn cho rằng mình là người rất may mắn.

Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười 26, 2015

Chuyện nhà các cô gia đình thương binh liệt sỹ (3)

HỘI NGƯỜI MÙ BIẾT RÕ CHÚ NGUYỄN HỮU OANH: NGƯỜI CHIẾN SỸ CẮM CỜ TRÊN ĐỒI HIM LAM

Lê Đình Tuấn – phóng viên Tập san của Hội Người mù Quận Tây Hồ ghi nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên  

Trong  không khí cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên, tôi tìm gặp bác Nguyễn Hữu Oanh, người chiến sỹ đã có vinh dự cắm lá cờ chiến thắng của Quân đội ta trên đỉnh đồi Him Lam. Tiếp tôi trong một căn nhà tập thể của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bác Oanh vui vẻ kể: Đơn vị của bác – trung đoàn 141, sư đoàn 312 được tham gia đánh chiếm cứ điểm Him Lam , đây là trận đánh mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ nên rất gay go, quyết liệt. Vì cứ điểm Him lam được ví như tấm cánh cửa sắt án ngữ đường vào toàn bộ tập đoàn cứ điểm nên ta quyết tâm phá bằng được tấm lá chắn đó mà địch cũng chống trả quyết liệt để bảo vệ cứ điểm.

Suốt từ 17h đến 22h ngày 13/3/1954 các loại hỏa lực của địch bắn ra như mưa. địch dùng cả súng phun lửa bắn không tiếc đạn vào trận địa hòng chặn bước tiến của quân ta. Bên ta cũng tập trung các mũi tiến công dùng bộc phá đánh vào các hàng rào dây thép gai của địch. Hệ thống hàng rào này rất kiên cố có chiều dày tới 80m. Nhiều chiến sỹ đánh bộc phá đã anh dũng hy sinh. Lúc ấy, bác Oanh được cấp trên phân công phụ trách một tổ mũi nhọn có nhiệm vụ xung kích đánh thọc sâu. Riêng bác còn có nhiệm vụ đặc biệt là cắm lá cờ của quân đội ta lên lô cốt số 7 – lô cốt chỉ huy trên đồi Him Lam. Đến 22hm khi hàng rào cuối cùng bị phá tan, được sự yểm hộ của các tổ trung liên và đại liên của đơn vị, bác Oanh cùng các chiến sỹ trong tổ xông lên, bất chấp các loại hỏa lực của địch bắn ra dữ dội. Cuối cùng bác Oanh và một chiến sỹ tên là Tuệ đã trèo lên được đỉnh lô cốt và cắm lá cờ quang vinh của Tổ Quốc trên đó. Đến lúc ấy bọn địch trong cứ điểm mới chịu thua, lũ lượt kéo nhau ra hàng.

Đến nay tuy đã bước vào tuổi 75, có việc còn nhớ, có việc đã quên nhưng mọi diễn biến của trận đánh mở màn này thì bác Oanh không thể nào quên được. Bác còn nhớ rõ tên từng đồng đội đã hy sinh trong trận ấy. Hiện nay những đồng đội cùng tham gia trận đánh với bác chỉ còn có vài người, trong đó có trung tướng Trần Linh – nguyên phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng nay cũng đã nghỉ hưu. Thỉnh thoảng các bác lại đến chơi với bác Oanh ôn lại những kỷ niệm và động viên nhau trong cuộc sống. Ngay buổi sang hôm tôi gặp bác Oanh, bác cho biết, bác Trần Linh và một nhà báo cũng vừa thăm bác. Tôi gợi hỏi về cảm nghĩ của bác khi tham gia trận đánh ác liệt này. Không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, bác cho biết: Bác đã từng tham gia nhiều chiến dịch như Hòa Bình, Tây Bắc và được thưởng nhiều huân chương. Trước lúc tiến vào trận Điện Biên Phủ bác đã được bình bầu là chiến sỹ thi đua toàn quân. Sau trận đánh bác được tặng huân chương Chiến công hạng nhất và được lên gặp đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng tại Bộ Chỉ huy chiến dịch đóng ở Mường Phăng. Tại đây đồng chí Hoàng Văn Thái đã giao nhiệm vụ cho bác sang sư đoàn 316 để phổ biến kinh nghiệm đánh trận của mình.

Nay trở về đời thường với quá trình 50 năm tuổi Đảng và người vợ hiền là bác Nguyễn Thị Thanh – nguyên là cô giáo nuôi dạy trẻ cùng 3 đứa con và 4 cháu nội cháu ngoại, bác chẳng đòi hỏi gì ở Đảng và Nhà nước. Bác thường tâm sự với mọi người là; Tuy mất đi đôi mắt. một bàn tay và bàn tay còn lại cũng chỉ còn bốn ngón nhưng bác vẫn còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội mà phần lớn đều nằm lại chiến trường, mãi mãi không trở về. Đến nay, tuy không còn làm được nhiều việc nhưng ngày ngày bác vẫn chăm chỉ luyện tập thể dục, làm việc vặt trong nhà. Hàng tháng, bác gái lại dắt bác đi sinh hoạt Đảng ở chi bộ phường Láng Thượng và sinh hoạt Hội Người mù.

Chia tay với bác Oanh, người chiến sỹ đã cắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc trên cứ điểm Him Lam, mở đầu cho chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng của dân tộc, tôi không thể nào quên được sự bình dị, bản chất tốt đẹp của một người chiến binh bộ đội Cụ Hồ.

Older Posts »

Chuyên mục