Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười Một 4, 2015

Chuyện các cô gia đình thương binh liệt sỹ (6)

CHÁU CÔ TRANH LUẬN VỀ NGƯỜI CẮM CỜ TRÊN ĐỒI HIM LAM: TỪ LƠ NGƠ ĐẾN RÕ CHI TIẾT (còn nữa)

Cô Thanh nói: ”Bài báo là như vậy, sự thật là như vậy, ở HLHPNVN này ai cũng biết chính xác là như vậy, tổ chức cũng biết rõ nhưng trong quyển Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử và Lịch sử Sư đoàn 312 thì vẫn đề tên người cắm cờ đó là Trần Oanh. Hơn 50 năm trôi qua mà vẫn để như vậy. Cô rất buồn, chưa nói đến những thiếu thốn mất mát về vật chất và tinh thần mà cô đã phải chịu đựng suốt 50 năm qua”. Khi đưa bài đăng từ năm 1954 của báo QĐND viết về chiến công của chú Nguyễn Hữu Oanh trong trận Điện Biên Phủ lên “Trại Nhi đồng của tôi – Những tháng năm lịch sử”, đã nảy ra cuộc tranh luận sôi nổi: Có nên giúp cô trả lại tên cho chú Nguyễn Hữu Oanh trong trận đánh lịch sử này không và nếu làm thì làm như thế nào? Bắt đầu từ đâu vì việc này xảy ra quá lâu rồi?

26-9-2007

Kiến Quốc: Phải bao nhiêu năm sau ta mới biết được chính xác tên tuổi những nhân chứng lịch sử cùng những hành động anh hùng của họ, mà chú Nguyễn Hữu Oanh là một trong những người như thế! Tự hào thay Trại ta có một chú rể như chú Oanh! Đề nghị Minh Tâm thông báo chỗ sai sót trong tác phẩm viết về người cắm cờ Quyết chiến quyết thắng trong trận Him Lam để có thể sửa sai.

Minh Tâm: “Cuốn “Đường về Điện Biên” của Bác Võ Nguyên Giáp, do ai chấp bút thì không biết, nêu người cắm cờ trên đồi Him Lam là Trần Oanh.

27-9-2007

Kiến Quốc: “Đường tới Điện Biên Phủ” hay “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”? Trang nào? Hãy cung cấp thật chính xác vì tôi có cả hai tập. Những thông tin này có thể chuyển cho Văn phòng Đại tướng và bác Văn.

Minh Tâm: Đồng chí cộng tác viên Báo QĐND đã mò mẫm được cả tờ báo ở kho tư liệu cũ kỹ từ những năm 1954, thì Cuốc Cuốc thử mò vào hai quyển đã có sẵn bên mình đó xem chiến sĩ Trần Oanh nằm ở đâu giùm cái!

Kiến Quốc: Nguyên tắc báo chí là phải tuyệt đối chính xác khi đưa tin. Đã đọc quyển “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” mà chưa thấy.

Minh Tâm: Tôi nghĩ người như chú Oanh và cô Thanh không thể bịa chuyện được. Nếu không có chuyện đó thì đồng chí cộng tác viên Báo QĐND Trịnh Thanh Phi đã không phải mất công tìm lại tờ báo cũ từ năm 1954 như vậy.

28-9-2007

Kiến Quốc: Không ai nói bịa, mà cần có thời gian. Nếu biết rồi thì alô để còn làm việc khác.

4-10-2007

Minh Tâm: Ở trong quyển “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, trang 227, NXB QĐNĐ năm 2000, bắt đầu từ dòng 4 (từ trên xuống), do nhà văn – chú Hữu Mai thể hiện, chú mất trong năm 2007, ngay sau khi cô Tụy Phương mất, có ghi:
“Tiểu đội trưởng Trần Oanh dẫn đầu mũi nhọn lao lên như một cơn lốc. Họ bị chặn lại trước ba chiếc lô cốt. Trần Oanh phân công năm chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, riêng anh phụ trách chiếc lô cốt lớn. Oanh bí mật bò tới gần lỗ châu mai, ném vào trong một trái thủ pháo. Lô cốt mẹ bị tiêu diệt. Oanh phất cơ Quyết chiến Quyết thắng vẫy tòan đơn vị đánh vào tung thâm.
Trước sức tấn công quyết liệt của các chiến sĩ ta, một số quân địch sống sót ở Him Lam bỏ đồn, chạy vào rừng tìm đường về Mường Thanh.
23 giờ 30 đêm ngày 13 tháng 3, đồng chí Lê Trọng Tấn báo cáo Bộ chỉ huy chiến dịch: Đại đòan 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bi”.
Chi tiết sai trong họ tên dẫn đến Hồi ký của bác Hoàng Văn Thái và bác Lê Trọng Tấn cũng bị dẫn sai theo vì cùng một nguồn dẫn là Lịch sử Sư đoàn 312 nên tất cả đều sai như vậy. Quyển Lịch sử Sư đoàn 312 do NXB QĐND ấn hành năm 1994, trang 154, dòng 15 (từ trên xuống dưới) ghi:
“Sau loạt bộc phá dữ dội, các chiến sĩ xung kích của tiểu đòan 11 tràn qua cửa mở. Tiểu đội dao nhọn Trần Oanh lao vào trung tâm như lốc cuốn. Bị địch cản lại, Oanh phân công năm chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, còn anh đánh lô cốt mẹ. Sau khi lừa địch, áp sát cửa hầm, chỉ bằng 1 quả thủ pháo Trần oanh đã diệt xong lô cốt mẹ, cắm cờ lên đỉnh lô cốt vẫy toàn đơn vị đánh vào tung thâm.
Trước tấn công mãnh liệt của quân ta, địch còn sống sót hoảng loạn tháo chạy khỏi Him Lam. Trên đường chạy về Mường Thanh, chúng bị tiểu đoàn 154 trung đoàn 209 chặn đánh diệt hơn một đại đội.
23 giờ 30 đêm ngày 13 tháng 3, đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo lên Bộ Tư lệnh mặt trận: Đại đòan 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu tòan bộ vũ khí, trang bi. Ta hy sinh 62 cán bộ, chiến sĩ”.
Điều này cũng dẫn tới ở địa phương quê nhà của chú Nguyễn Hữu Oanh là thôn Phường Nga, xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa mọi người cũng băn khoăn không hiểu chú Nguyễn Hữu Oanh của cô Thanh (của em Dũng, em Thành, em Thảo Nguyên và của chúng ta) có phải là người đã dẫn đầu Tiểu đội xung kích đánh lên Đồi Him Lam khi ấy hay không? Cho nên trong Lịch sử địa phương, gương chiến đấu dũng cảm của chú Nguyễn Hữu Oanh cũng không được ghi trong Lịch sử Đảng Bộ huyện Yên Định – tỉnh Thanh Hóa, cả trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh và Lịch sử Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa cũng không hề có chú Nguyễn Hữu Oanh của chúng ta.

5-10-2007

Kiến Quốc: Như vậy đã rõ lỗi ở đâu! Để làm rõ vấn đề này, phải chuẩn bị tư liệu đầy đủ:
– Photo bài đăng ở Báo QĐND năm 1954, trang lỗi trong “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, “Lịch sử sư đoàn 312″,…
– Các quyết định khen thưởng của chú Oanh (nhất là phần liên quan tới F312);
– Thư của gia đình gửi bác Văn với ý nguyện làm rõ nhân vật trong sự kiện lịch sử trọng đại này;
Sẽ phải chuyển tới Viện Khoa học Lịch sử Quân sự nữa).
Hy vọng chúng ta sẽ làm được 1 việc có ích.

9-10-2007

Kiến Quốc: Chú có quyết định gì của F312 về việc khen thưởng này không? Nên đính kèm khi trình Đại tướng. Đề nghị mail cho tôi thư gốc. Chú mất ngày nào? Hiện an nghỉ ở đâu?

10-10-2007

Kiến Quốc: Tác giả Phạm Thị Trinh có phải vợ bác Nguyễn Chánh em bác Phạm Kiệt, mẹ Nguyễn Chí Hòa trại viên? Có thể hỏi cô Thanh là biết. Không hiểu ngoài ấy có chuyện gì mà lằng nhằng thế? Nói chung phải thận trọng khi phát biểu!.

Minh Tâm: Không có chuyện lằng nhằng, mọi việc rành mạch đúng như đã nêu ở trên. Tất cả mọi người đều phải thận trọng trong mọi cách hành xử của mình, nhất là đối với người lớn tuổi đang có nỗi đau trong người. Nếu không làm được gì cho họ thì đừng làm họ phải đau thêm. Đọc đây:
“Trận mở màn Him Lam qua hồi ức của những người lính Điện Biên
Trong trận Him Lam đã xuất hiện anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình bịt lỗ châu mai cho đồng đội xông lên tiêu diệt quân địch, tiểu đội trưởng Trần Oanh cầm cờ Quyết chiến quyết thắng dẫn đầu tiểu đội mũi nhọn mở đường cho bộ đội tiến vào tung thâm”
(Vietnamnet 13/03/2004)
Cô Thanh và chú Nguyễn Hữu Oanh đã đau nỗi đau này hơn 50 năm rồi. Vào đúng ngày chú mất, có thanh niên là bạn của con cô Thanh đến uống rượu và nói:
“Làm gì có chuyện bố mày cắm cờ trên đồi Him Lam. Tất cả chỉ là chuyện bịa!”


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục