Đăng bởi: leminhtam | Tháng Sáu 21, 2011

Chuyện ba mẹ tôi và chuyện của tôi

Nam Bình là con của Dung và Hổ ở trại của chúng mình. Tình cờ thấy blog của cu cậu trên mạng. Mình vẫn nhớ như in  ngày 26/5 là ngày sinh nhật của Dung, vì nó trùng ngày trận chiến Núi Thành. Ngày 26/5 vừa qua cũng là ngày TQ cắt cáp tàu Bình Minh 02 của VN, con Dung Hổ cũng làm trong ngành dầu khí. Xem ra cu cậu giống như ngọn lửa dầu khí ở ngoài khơi: bộc trực và lộ thiên, có gì kể nấy, không hề giấu diếm về mình và gia đình mình. Mong các bạn bảo vệ ngọn lửa của ngành dầu khí Việt Nam ngoài biển khơi như bảo vệ đứa con của mình. Mới năm ngoái, Dung Hổ còn gọi điện nhờ tìm nhà thuê để cho cu cậu làm luận án thạc sĩ ở Hà Nội nhưng sau đó lại cho cháu ở nhờ nhà ông bác, vậy mà nay Hổ đã thành viên ngọc trai ở dưới biển rồi… Hè vừa rồi, mình đến thăm Dung, thấy nàng đang tưới cây trong vườn…

Chuyện ba mẹ tôi

Đăng ngày: 23:51 31-03-2010

Thư mục: Gia đình
 
Đây là entry trên blog WordPress, cô Minh Tâm bạn thân của mẹ viết về ba mẹ, không hẳn là chi tiết nào cũng đúng, nhưng mình thích đọc, nên sẽ chuyển nguyên văn nội dung về blog của mình để đọc cho tiện. Kỷ niệm của gia đình… có những điều không đánh đổi được !
Có lẽ họ là đôi vợ chồng – bạn bè – trại viên duy nhất lấy nhau mặc dù trong các Trại Nhi đồng Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPNVN) ở các thế hệ đều có trai, có gái, đông vô kể, mà trai tài gái sắc thì cũng nhiều. Thế nhưng không hiểu sao họ không dòm giỏ nhau mà lấy chồng lấy vợ, họ toàn gọi nhau là ấy tớ, hoặc tao mày, gặp nhau thì có vẻ thích cãi nhau hơn cả, mặc dù cũng tha thiết muốn gặp nhau như trong các bài mà các bạn đã đọc ở forum này trước ngày Hội trại 2 diễn ra ở 20 Thụy Khê.Vì vậy đôi vợ chồng này là hiện tượng đặc biệt của các trại Nhi đồng HLHPNVN. Họ còn là hàng xóm của nhau. Chàng vào quân đội từ hồi còn trai trẻ, bôn ba trận mạc, hết lòng vì quân đội, suốt đời là bộ đội cho đến giờ cả trong hòa bình, còn nàng đi học ở nước ngoài, tận xứ sở của loài hoa hồng. Nàng cũng xinh tươi như một đóa hoa hồng, mà trong trí nhớ của các em bé ở trại Sơ tán Vĩnh Phú thì “chị ấy xinh lắm, em cứ nhớ mãi hôm nhìn thấy chị cúi xuống ngửi một đóa hoa hồng trong vườn nhà bác chủ nhà nơi sơ tán, chị ấy đẹp mê hồn” – một em kể lại với tôi như vậy. Điều này còn được chứng thực khi về cơ quan làm việc, tôi thấy có một anh học cùng với nàng ở xứ sở hoa hồng than với tôi rằng “tôi cũng thích nàng lắm, nhưng mặt nàng cứ lơvê 45o nên chẳng biết cách tiếp cận ra làm sao!”. Vì ở mãi cạnh nhau nên cái gì cũng trở nên bình thường, việc “xinh xấu” phải do những người khác đánh giá thì mới khách quan, vì vậy tôi phải nêu vài lời đàm luận để các bạn hiểu. Một em cùng trại sơ tán Vĩnh Phú, sau khi học ở xứ sở hoa hồng về cũng kể lể mách với chị : “chị ấy xinh lắm nên nhiều anh rất thích, nhưng chị ấy chả yêu ai cả, cứ đàn đúm với hội mốt nhất Xôphia để chơi thôi, nên bọn con trai gọi chị là lơvê 45 độ”. Thế mà cuối cùng lại lấy anh bộ đội hàng xóm, mọi người chả ai tin được hoặc không thể hỉểu nổi con người này, nhưng riêng tôi thì hiểu đó là điều dĩ nhiên. Vì đó chính là bạn gái mà tôi đã kể trong forum này là hay mặc áo màu cứt ngựa với miếng vá đen trùm lên vì không học ở trại NĐMBắc của cô Tụy Phương nên không biết vá quần áo, rồi lảu nhảu cãi nhau, rồi giận dỗi nhau về chuyện học hành, ngủ nghê, về miếng vá “xấu – đẹp”,… với tôi.

Bạn gái này từ bé đã có một phẩm chất quan trọng của “vợ lính” là rất giữ gìn bí mật. Ấy là vào cái hồi chúng tôi mới đi sơ tán khi chiến tranh bùng nổ ở Miền Bắc vào năm 1965 thì chúng tôi mới chỉ học lớp 5 thôi, tuy lớn nhất trại nhưng vẫn còn bé lắm so với thiên hạ. Buổi đêm vẫn còn mộng mị và còn cả “dấm đài” nữa (kể nói ra thì cũng hơi ngượng). Một hôm, buổi sáng sớm thấy nàng lùi lũi cuốn chiếu chăn đi giặt ngoài ao tôi mới biết mình là tác giả của câu chuyện này. Tôi ngượng chín cả người vì dù sao chúng tôi cũng thuộc tầng lớp “anh chị” của trại, nếu thông tin bị rò rỉ ra thì còn gì là “anh chị” nữa cơ chứ. Tôi lo lắm, nếu bạn gái có tính ba hoa hay thì thầm to nhỏ buôn dưa như mọi chị em khác thì phen này mình chắc chết. Vậy mà không một lời cãi nhau, không một lời đùn đẩy đi giặt chăn chiếu, không một lời bàn tán, không một lời với bất kỳ ai, làm tôi vẫn cám ơn bạn mãi từ bấy đến giờ vì “uy tín” vẫn còn được bảo toàn trọn vẹn cho đến ngày nay.

Hổ là tên một trại viên trại NĐMNam nghịch ngợm nhất trại, bạn này vinh dự có một tấm hình với Bác Hồ không phải vì bạn đó ngoan nhất hay học giỏi nhất, mà bởi vì khi nghe tin Bác Hồ đến thăm trại NĐMN, bạn chạy đến chỗ Bác nhanh chân nhất, cầm lấy tay Bác quàng qua hai vai mình, thế là bạn có một tấm với Bác cho đến giờ. Hổ cũng chính là chồng của bạn gái của tôi ở trại Sơ tán Vĩnh phú. Hổ sớm nhập quân ngũ nên rất có ý thức “giáo dục” chị em “vô chính trị” như vợ mình và tôi. Bạn hay mang quyển Tạp chí Văn nghệ Quân đội và bảo chúng tôi rất nên đọc, trong đó có nhiều chuyện hay lắm làm chúng tôi (hồi đó cũng vô chính trị thật) cứ phá lên mà buồn cười. Bạn lại hay thích chụp ảnh, mà phải chụp ảnh tập thể cơ, để lưu lại những kỷ niệm quý giá, vợ bạn và tôi vốn vô chính trị nên chẳng muốn lưu lại cái gì cả, thế nên đến giờ vẫn chẳng có chiếc ảnh nào chụp chung với bạn Hổ cả. Thỉnh thoảng không có vợ mình, bạn Hổ lại tháo từ cổ cho tôi xem cái vòng có đeo một cái nanh của con hổ thiệt, bạn bảo đó là bùa hộ mệnh của người lính, vợ bạn “vô thần” nên toàn bảo đó là điều vớ vẩn nên bạn không muốn nói. Là lính trinh sát nên bạn rất tin vào việc “cơm khê, cơm sống”, “điềm này, điềm nọ”,… nhưng vợ bạn thì chả tin cái gì cả.

Là vợ lính nên bạn gái tôi cũng như mẹ tôi, phải nếm đủ nỗi nhọc nhằn của sự “đầu tiên”, của sự xa vắng chồng suốt ngày đi công tác, của sự một mình nuôi con vò võ như nàng Vọng Phu,… Hổ đi lính suốt, trở thành sĩ quan rồi mà vẫn chẳng có tiền gửi về cho vợ. Có hôm tôi đến chơi thấy bạn gái bảo là Hổ gửi quà về cho con trai, hỏi quà gì, thi nàng lấy ra một chiếc ô tô đóng bằng các mảnh cây rừng, trông thô thô nhưng cũng rất đẹp. Chỉ có thế thôi. Gia đình bạn gái tôi ở Hà Nội, thế mà bạn phải bỏ cả Hà Nội “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, xa mẹ, xa em gái và em trai (bao nhiêu người thân có thể thương yêu và giúp đỡ mình trong lúc khó khăn) để theo chồng về miền Trung đầy cát trắng, nắng và gió Lào để được sống gần anh Hổ. Cái đáng ngại nhất là bạn phải từ bỏ công việc mà bạn yêu thích, bạn đã học ở nước ngoài suốt 6 năm ròng rã (nghề cơ khí điện lạnh) để phải làm những việc linh tinh như nhặt bóng ở bàn bi a, đưa bia đi các cửa hiệu rồi lại đi thu vỏ chai về cho nhà máy,… Nhiều khi họ dùng bia xong còn không chịu trả lại chai nữa, đập vỡ rồi nói quấy,… Trong khi đó vẫn phải làm những việc như vậy để kiếm tiền nuôi các con, nuôi mình, chỉ được mỗi cái là gần anh Hổ thôi. Bạn cũng buồn lắm, vì gia đình ruột thịt và bạn bè thân thiết của bạn đều ở cả Hà Nội. Mỗi lần nghe có một người bạn từ Hà Nội vào, bạn đi xe đạp ra tận ga chờ đón để đèo bạn đó về nhà mình, mặc dù nhà bạn ở gần biển, nằm rất xa ga tàu hỏa. Có hôm tôi về thăm quê mình, nhân tiện ghé thăm luôn vợ chồng bạn, bạn xin nghỉ việc để đón tôi, bạn dẫn tôi ra chợ mua thịt và nhiều thứ khác để đãi tôi và hẹn với các bà ở chợ là “sẽ trả tiền sau”. Hồi đó tôi chưa có gia đình nên không hiểu đó là việc gì, nhưng sau này khi đã có gia đình, có hai đứa con với đồng lương của cả chồng lẫn vợ vẫn không đủ ăn thì tôi mới hiểu rất rõ đó là “việc gì?”. Có đận bạn tôi phải gửi bớt một đứa con trai vào tận Vũng Tàu nhờ ông bà nội nuôi giùm một thời gian.

Sống trong hoàn cảnh như vậy nhưng con của bạn vẫn thật là giỏi giang. Một hôm, đang xem “Bảy sắc cầu vồng” trên VTV3, thấy trong đội học sinh của quê tôi có một cậu bé có khuôn mặt giống một cậu trại viên của mình như đúc. Tôi gọi điện thoại và hỏi bạn gái của tôi: “Có phải con của ấy đang dự thi Bảy sắc cầu vồng phải không?”. Từ đầu dây bên kia thấy bạn gái tôi reo vui: “Đúng đấy, đấy là con của chúng tớ đây!”. Cũng giống mẹ, con trai bạn cũng có phẩm chất “con nhà lính” ngay từ bé. Bạn thì bận không có thì giờ để đưa con đi chơi ngày chủ nhật, còn tôi trái lại thì giờ nhiều vô kể. Chủ nhật tôi thường đến đón con bạn đi chơi công viên bằng chiếc xe đạp có buộc thêm ghế đèo trẻ em bằng mây (mà bây giờ tôi chẳng thấy ai đèo trẻ con như vậy nữa). Một hôm do lười nên tôi không buộc ghế mà cứ cho cháu ngồi thẳng lên boocbaga mà không cần ghế mây. Hai cô cháu ra công viên chơi, bắt chước như ba mình đưa vào trại NĐMNam ngày Chủ Nhật hồi bé, tôi đi xe đạp vòng vèo uốn lượn để cho cháu cười. Cũng giống tôi ngày bé, cháu ré cười thích thú rồi cho chân vào bánh xe đạp. Rất may là mới chỉ bị sơ xước nhẹ, cháu cũng không hề khóc tẹo nào, rất can đảm. Tôi dặn cháu là không được về nói với mẹ. Cháu giữ đúng lời hứa lắm. Mấy hôm sau, mẹ thay tất chân cho cháu thấy cháu kêu đau chân, mẹ hỏi vì sao, cháu nói: “cô dặn là không được nói, phải giữ bí mật”. Chúng tôi lại cùng phá lên vì buồn cười.

Ngôi nhà của hai bạn kể cũng hơi đặc biệt. Cứ như cái vườn bách thú thu nhỏ giữa bãi cát trắng xóa. Ngoài chăm sóc hai cậu con trai, bạn gái tôi phải chăm sóc một chú khỉ (làm tôi nhớ đến chú khỉ ở trại NĐMBắc), một chú vẹt, mấy con ngỗng (làm tôi nhớ đến con ngan hay cắp dép dọa trẻ con của Lê Trực và bé Hương ở 47 Hàng Chuối, vì mẹ bạn cũng là phóng viên Báo PNVN và bố bạn cũng đi sứ nên chúng tôi lúc nào cũng quanh quẩn với một lũ trẻ có những con vật tương tự như vậy), một con lợn trông như lợn rừng, hai con chó to như chó béc dê có tai nhọn hoắt. Có hôm thấy Hổ đi làm về rút từ cổ áo ra mấy chú chó con dòng chó bécgiê nhưng hình thù bé tí, thả xuống sân làm tôi buồn cười chỉ muốn chết (bé Hương và Lê Trực cũng hay cho cả lũ chuột bạch vào áo mình như thế, còn cả lũ chúng tôi thì ra tận sông Hồng để cắt cỏ cho chuột bạch ăn, đánh luống trồng cỏ và đi xin lá su hào, bắp cải về cho thỏ ăn,… chả là Toà soạn Báo PNVN là ngôi nhà cũ Pháp xây, ở sân trước kia có một cái chuồng nhốt thú có lưới sắt xung quanh để mọi người xem như trong vườn bách thú HN). Mỗi lần như thế bạn gái tôi lại kêu: “Khổ lắm cơ!”, thế nhưng bạn vẫn giữ nuôi đủ từng ấy thứ con trong nhà mình mà chẳng hề cáu kỉnh tẹo nào. Có thể đó là những con vật do anh Hổ lôi về từ nhưng lần đi trấn “ải” Tây Nguyên về, có thể anh Hổ lôi về để cho vợ và các con trai của mình thích thú. Phòng khách của nhà bạn thì cũng buồn cười ghê lắm. Cứ như một phòng họp, không có ghế đẩu mà lại có nhiều ghế dài xung quanh tường, ở giữa để trống không có gì, các phòng khác thì sàn nhà bằng xi măng nhưng riêng phòng khách thì lát bằng gỗ, trông thô thô nhưng lại khá hiện đại và ấm cúng (bạn bảo gỗ thì thiếu gì), mục đích là để ai muốn ngồi ghế thì ngồi, ai muốn ngồi bệt xuống sàn cũng được, đồ chừng phòng khách phải chứa được cả tiểu đoàn. Thấy bạn gái tôi bảo anh Hổ thích thế, là để nhiều anh em đến chơi ngồi được. Tôi và bạn gái cùng rũ ra vì buồn cười. Bây giờ thì nhà hai bạn đã khác nhiều rồi, có hàng xóm và có phòng khách như mọi nhà khác.

Tôi viết bài này khi đã thấm hiểu được sự trường tồn của đất nước ta là nhờ sự hy sinh quên mình của hàng chục triệu những con người như vậy… Tuổi trẻ chính là sự tồn tại của cuộc sống, vì thế nó luôn đòi hỏi và vươn tới những điều tốt đẹp để duy trì cuộc sống của loài người, điều này tôi đã cảm nhận được qua các diễn đàn của những người trẻ tuổi… Tuổi trẻ chính là cuộc sống đang tồn tại sôi động và bình dị ở xung quanh chúng ta.

Melôđia của bài hát trong bộ phim Thanh kiếm và Lá chắn lại vang vọng trong tôi. Bài này tôi học thuộc lòng bằng tiếng Nga từ hồi còn trẻ của mình khi tôi rất ngưỡng mộ sự hy sinh quên mình của những người Hồng quân Liên Xô cứu loài người thoát khỏi nạn diệt chủng phát xít. Lời dịch bài này tôi copy từ diễn đàn bantroi.blogspot.com. Bài hát này cũng nói lên tâm trạng tuổi trẻ của chúng tôi lúc bấy giờ, mà tôi chắc chắn cũng là tâm trạng của các bạn trẻ ngày nay khao khát được sống với tâm hồn trong trắng, bằng trái tim nóng bỏng và cống hiến trí tuệ cao đẹp cho Tổ Quốc mình và gia đình mình. Tất cả đều bắt đầu từ những điều bình dị nhất ở xung quanh mình.

Tổ Quốc bắt đầu từ đâu?
(Nhạc: V. Basner – Lời: M. Matusovsky)
“Tổ Quốc bắt đầu từ đâu?
Từ những bức tranh trong sách học vần
Từ những người bạn trung thành, đôn hậu,
Sống cùng nhau trong khu phố với mình,
Và cũng có thể Tổ quốc bắt đầu
Từ lời mẹ ru khi ta còn thơ ấu
Và trong bao thử thách gian lao
Trong chúng ta không một ai cúi đầu
Tổ Quốc bắt đầu từ đâu?
Từ chiếc ghế băng dài trước cổng
Từ hàng cây trên cánh đồng quê
Vẫn uốn mình mọc lên trong gió.
Và cũng có thể Tổ Quốc bắt đầu
Từ tiếng chim hót trong mùa Xuân lảnh lót
Từ con đường làng ta vẫn đi qua
Kéo dài ra phía chân trời vô tận
Tổ Quốc bắt đầu từ đâu?
Từ khung cửa sổ bừng sáng phía xa,
Từ chiếc mũ sao vàng cha để quên trong tủ
Mà tình cờ ở đâu đó ta tìm ra
Cũng có thể Tổ Quốc bắt đầu
Từ nhịp tầu bánh xe gõ đường ray
Từ lời thề ta trao em thời trai trẻ
Ta mang trong tim suốt cả đời mình
Tổ Quốc bắt đầu từ đâu?…”

Phải ghi chú thêm một chút về ý kiến của mình liên quan tới bài viết này: (1) chuyện thò chân vô bánh xe chưa chính xác, vì mình phải bó bột to đùng mất một thời gian; (2) ở TP Đà Nẵng chưa bao giờ có gió Lào cả, chỉ mỗi vùng Quảng Trị bị ảnh hưởng thôi; (3) việc gửi thằng em mình vô Vũng Tàu với bà nội là chuyện thường ngày ở huyện, chưa có đứa cháu nào không sống với bà một thời gian…

http://vn.360plus.yahoo.com/skynovaz/article?mid=414

Đăng ngày: 01:53 12-10-2010

Thư mục: Tình yêu
 
Lúc mình học cấp một, hình như là lớp năm, ba và mẹ đều đi học ở Hà Nội, ba theo một khóa học dài hạn ở Học viện Quân sự cấp cao, mẹ học thêm ngoại ngữ ở trường Ngoại ngữ Quân sự – là ngoại ngữ thứ 5 trong đời thì phải. Tết năm đó mẹ đón mình ra Hà Nội, ở nhà bà ngoại trên phố Hàn Thuyên, nơi mình sinh ra và trải qua những năm tháng đầu tiên khi chào đời.Căn hộ bé xíu, chỉ có 30 m2, nhưng đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, từ khi ông ngoại còn tráng niên đến tận sau này, đầy ắp những ký ức tuổi thơ rất xa xăm mà chẳng hiểu sao mình vẫn còn nhớ rõ, có lẽ mình vốn đã có khiếu “thù dai, nhớ lâu” từ bé rồi. Ông ngoại thương mình nhất, vì lúc đó nhà ngoại chỉ có mỗi mình mình là cháu. Tất cả tiền đôla ông dành dụm trong cả cuộc đời làm ngoại giao, cũng chẳng bao nhiêu đâu, cuối cùng chỉ toàn gửi bạn bè mua hai thứ mà thằng cháu thích nhất, đó là viên vitamin C to màu đỏ của Tiệp Khắc và đồ chơi lắp ráp mô hình bằng nhựa của Liên Xô. Vitamin thì có lúc mình nhét thử vào mũi, phải đi bệnh viện để hút ra. Còn đồ chơi lắp ráp thì hiếm khi toàn vẹn, vào tay mình kiểu gì không gãy cũng cong :”>. Những chiều ông đi làm về, một tay cắp chiếc xe đạp, một tay ôm thằng cháu, đi bộ men theo lối cầu thang nhỏ hẹp lên tầng 3 của khu tập thể, tới căn phòng chật chội nhưng đầy ắp tiếng cười, kỷ niệm ngày xưa vẫn còn mãi nguyên sơ như thế.Đêm giao thừa năm ấy, ba mẹ dẫn mình ra Hồ Gươm, chỉ cho mình xem Tháp Bút, Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, trước nữa vì nhỏ quá nên mình không biết. Rồi ba mua cho mình ba cây pháo bông loại dài tầm một mét, xịt ra tia lửa bông khoảng cách gần, hồi đó vẫn còn chưa cấm pháo mà. Ba cũng công kênh mình lên hái một ngọn cây nho nhỏ lấy “lộc”, bây giờ liệt vào tội phá hoại cảnh quan và môi trường đô thị í. Đúng thời khắc giao thừa, xung quanh hò reo, mình cũng đốt cây pháo bông chĩa ra mặt hồ, sung sướng đón năm mới. Tự nhiên quay lại định khoe thì thấy ba đang ôm hôn mẹ rất thắm thiết, ba vừa liếc thấy mình liền ra hiệu “im lặng”, hehe. Khoảnh khắc ấy sau này mình diễn mãi cũng không đạt được cảm xúc như thế nữa (là lúc lớn rồi í)…Mười lăm năm sau. Anh gặp em, thật tình cờ, trong một buổi tiệc. Mình đều ra mép biển ngắm sóng vỗ vào bờ đá, vì không muốn uống quá nhiều. Anh nhìn má em hây hây đỏ, phát sinh hảo cảm muốn làm quen… chỉ thế thôi rồi mình nghĩ thật nhiều về nhau từ lúc nào không biết. Em lại về Hà Nội, anh vẫn ở lại nơi thành phố biển đầy nắng gió, thỉnh thoảng ra gặp em, đi lang thang với nhau, vẫn là café thôi, dù lúc đó anh chưa tương tư vì nó lắm. Rồi một ngày em quay lại thăm anh, một tuần liền mình đi chơi với nhau, nhưng anh không nói gì cả, thậm chí cũng chẳng cầm tay em, em ngạc nhiên, anh tảng lờ như không hề thấy.Sân bay Đà Nẵng. Mình chào nhau, anh tiễn em qua cửa hành lý, anh cũng chỉ cười hẹn ngày gặp lại. Em thất vọng, bước vội vào trong. Lát sau anh gọi điện thoại, bảo em ra ngoài này. Mình vẫn nói chuyện vu vơ, những câu chuyện vô thưởng vô phạt chẳng ăn nhập gì nhau. Rồi tiếng loa phóng thanh vang lên, hối thúc em trở về nơi ấy. Em nhìn anh, mà anh vẫn chỉ mỉm cười tạm biệt… Nhưng khi em vừa quay bước đi, anh kéo em quay lại, hôn em ngay giữa sân bay đông nghịt, làm em sững sờ chẳng nói được tiếng nào… Lần đầu tiên anh đóng phim Hàn quốc, chẳng biết sao nữa… Thế mà rồi, những lần gặp lại nhau, cuối cùng anh vẫn để em ra đi khỏi trái tim mình.Sau em… đã có thêm hai mối tình nữa rồi, nhưng mãi mãi…
 
 
 

Bình luận về bài viết này

Chuyên mục