Đăng bởi: leminhtam | Tháng Sáu 18, 2011

Thư của nữ phóng viên Báo PNVN gửi từ chiến trường

Ngày Báo chí Việt Nam 21/6 nhớ về các bà mẹ phóng viên của chúng mình! Ngày 20/10/2010, mình vào Sài Gòn đưa má mình về Tây Ninh – Trung ương Cục Miền Nam ngày xưa, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội LHPNVN đi theo đoàn của Hội về nguồn. Đi bằng xe du lịch lớn cùng với chị Hà Nhung (người cùng lặn lội với má mình vào Tây Ninh năm đó theo con đường cô Lê Đoan, cô Kim Phương đã đi) và một số bạn phóng viên Báo PNVN còn rất trẻ. Vậy mà thấy Tây Ninh vẫn xa lắc. Thế mà ngày ấy họ đi bộ, chỉ đôi lúc được đi bằng xe hôngđa, hoặc đi bằng bobo (xuồng),… Bức thư này mình lấy từ gói “Kỷ vật chiến tranh: Thư từ gia đình” của ba mình sau khi ba đã mất.

Khu 8 ngày 25 -2-1975

Anh Ba và các con yêu mến,

Em đã đến khu 8, miền Trung Nam Bộ, miền Đồng Bằng Sông Cửu Long giàu đẹp và anh hùng. Đúng một tháng em xa anh và các con nhưng một tháng có bao nhiêu sự kiện mà em trải qua. Từ trạm 14 trên đường Trường Sơn, em viết cho anh nhiều thư nữa nhưng không gặp đoàn nào ra nên em không gửi cho anh được. Lúc về Lộc Ninh rồi đi Trung ương Cục thì đã là 28 Tết. Đêm 30 ăn Tết ở Trung ương Hội. đón giao thừa nhớ anh và các con lắm, cứ hình dung vào lúc 12 giờ đêm mấy cha con đèo nhau về nhà là nhớ ghê lắm. Đoàn phân nhau ra dự Tết ở khắp các cơ quan Trung ương. Em ăn Tết ở bên Mặt trận, cô Nhung ở Công đoàn, anh Thạch ở Thanh niên,… Ăn Tết xong nghe các chị báo cáo tình hình chung về phụ nữ miền Nam trong năm qua. Bàn với các chị việc đi công tác. Như thế là đoàn chia ra hai mũi: Một mũi anh Thạch đi Củ Chi và ven đô Sài Gòn-Trảng Bàng- Tây Ninh-Lộc Ninh với cô Thúy Lĩnh. Em và Hà Nhung về Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chủ yếu đi về tỉnh Mỹ Tho. Chuẩn bị đi vui lắm. Bọn em mượn áo quần cải trang là dân Nam Bộ chứ lỡ xuống đồng bằng nó bắt một cái, mặc quần áo miền Bắc thì chết rồi. Thế là từ hôm mồng 8, bọn em đã bắt đầu lên đường ra chiến trường cả. Mỗi người một cái bòng trong đựng hai bộ quần áo, 1 màn, 1 vỏ chăn, 1 võng dù, 1 máy ảnh rất gọn nhẹ, đồ đạc để hết lại Trung ương Hội. Những cái thư em viết cho anh và các con cũng để lại trên Trung ương. Thế là lên đường.

Đường đi nhiều chặng bằng xe hôngđa. Hồng Nhung và em một xe hôngđa, chú lái xe hôngđa vừa là bảo vệ, một súng lục bên hông. Một xe khác đèo một chị cán bộ khu và một số đồ đạc gửi về khu 8. Hai lái xe, hai súng lục bảo vệ. Đi ven theo biên giới, qua sông Vàm Cỏ Đông, qua cánh đồng Chó Ngáp của Đồng Tháp Mười, đi xuồng trên kinh Nguyễn Văn Tiếp, rồi đi trên sông Vàm Cỏ Tây-Cây Giâu đến Khu 8. Đêm nằm nghe pháo bắn vào núi Bà Đen, máy bay rà rà thả bom vùng biên giới để ngăn chặn quân ta xuống đồng bằng. Cũng hơi lo lo, cũng nhiều lúc chuẩn bị tư thế là  nó chụp xuống bất ngờ hốt đi là gay, nhưng khả năng này thì ít. Khả năng bị pháo bắn bất ngờ thì nhiều. Nhưng đến nay tuy chưa đến địa điểm mình ở lại nhưng cũng đã đi khá xa. Em ở lại một trường của khu. Tranh thủ những ngày ở lại nhờ giao liên của khu đưa tiếp đi về tỉnh  để em lấy tài liệu từ một số đồng chí ở các tỉnh Bến Tre, Long An,…, Long Châu về học ở đây. Đang nói chuyện với các đồng chí ở Sa Đéc thì biết có đồng chí ra Hà Nội nên em tranh thủ viết thư này cho anh biết. Đô 2-3 ngày nữa thì lên đường đi Mỹ Tho. Có lẽ đến cuối tháng này thì sẽ ở Ấp Bắc, sẽ đi một số huyện như Châu Thành,…. Tình hình trong này dễ đi lắm, mặc dù đường đi tòan là sát đồn địch. Kim Phương (mẹ Như Anh, Như Hà) cũng bị chết ở Châu Thành đấy. Chị Lê Đoan (mẹ Lê Trực, Lê Hương) cũng bị chết ở huyện đó. Hôm đi về chiến trường, em đến nhà chị Hòan chơi. Chị Hòan hỏi: “Minh đi đâu?”. Em bảo: “Minh đi Mỹ Tho”. Chị bảo: “Mỹ Tho hay lắm đấy, chị Hồng Châu (vợ anh Vàng trước ở gác tư Tòa Báo) mới đi về đấy”. Còn anh Phước Ba (con cô Hòan) bảo: “Ý, cô về đấy nguy hiểm lắm. Cô Kim Phương và cô Lê Đoan chết ở đó đó”. Em bảo: “Bây giờ khác rồi, các cô mới đi về, có thể đi được thôi. Tình hình bây giờ khác rồi. Về Mỹ Tho chỉ còn lo qua lại bốn con đường chiến lược từ lục tỉnh đi Sài Gòn thôi. Mình sẽ qua ban đêm và người ta bảo là cứ chỗ giữa hai đồn mà đi. Sức khỏe của em vẫn tốt. Có mấy hôm chuyển trời hen chút đỉnh nhưng có thuốc nên không sao. Chưa bỏ một bữa ăn nào. Trong này ăn gạo mới nên rất ngon. Ở trên Trung ương ăn cực hơn, về khu ăn khá hơn nhưng nghe nói về tỉnh thì tha hồ ăn cá (cá Đồng Bằng Sông Cửu Long mà).

À, hôm qua bất ngờ em gặp con anh Bốn Thắng (anh Bốn ở chỗ 39 Lý Thường Kiệt ấy mà). Hồi ở nhà nó tên là Trận bây giờ tên là Trưương Thị Thanh. Nó làm bác sĩ ở bệnh viện dân y Khu 8. Nó nghe nói có cô M. ở Báo PNVN. Nó đoán là em nên tìm đến gặp, cô cháu mừng quá. Khi nào anh ghé anh Bốn Thắng nói lại cho ảnh biết em gặp cả hai vợ chồng nó và đứa con lên 5 tuổi khỏe mạnh.Em chưa viết thư cho anh chị Bốn được vì gấp quá. Bao giờ ra em sẽ kể tỉ mỉ cho anh chị nghe.

Các con thế nào, học hành ra sao, phải cố gắng nhiều nhé. Minh Hà phải cố gắng học thi cho đạt yêu cầu con ạ. Thọ vẫn cố gắng đều đấy chứ? Con phải tiếp tục đà cố gắng từ đầu năm và chú ý giúp đỡ chị Hà để chị Hà học hành thi cử con nhé. Có lẽ tới tháng 5 má mới ra được vì đi xa quá. Lúc đó các con đã thi cử và hết học kỳ rồi. Má mong mỏi sao các con cố gắng học hành đừng để phụ lòng mong mỏi của má, Má sẽ về kể lại cho các con nghe biết bao chuyện về miền Nam, về đât nước anh hùng của chúng ta, về tài nguyên phong phú của miền Nam. Các con nhớ giữ gìn sức khỏe tốt. Có hôm má nằm mơ thấy thằng Nam bị ốm, ba phải đưa em đi cấp cứu. Má lo quá tỉnh dậy, đêm tối vắng lặng má buồn ghê. Vậy Minh Hà và Thọ chú ý chăm sóc em, thương yêu em, nhắc nhở em học tập. Em còn bé chưa biết lo vệ sinh bản thân, chưa biết lo học hành vậy các con chú ý giúp đỡ em. Còn Nam phải biết lo học hành hàng ngày, lo rửa chân tay mặt mũi, lo giữ quần áo cho sạch sẽ cho bản thân nghe con. Lúc ra thế nào má cũng mỗi đứa một con vật kỷ niệm của miền Nam, sẽ kể cho các con nghe cuộc hành trình từ Nam chí Bắc, thích lắm các con ạ. Má và các cô vẫn khỏe, khỏe lắm.

Chặng đường từ ngã ba biên giới vào đến Lộc Ninh nhiều chuyện buồn cười lắm vì xe bắt đầu hỏng, leo dốc không nổi. Xe phải đi đêm vì sợ máy bay bắn. Thế mà xe của mình cứ hễ leo dốc hơi đứng một tị là nó ì xì rồi đứng lại. Giữa đêm tối Trường Sơn, cả bốn người trong đoàn xuống xe tìm những hòn đá bên đường chèn xe để chú Lưu nổ máy lấy đà lên dốc. Có dốc như dốc A Bun dài 10km cao lắm, gần 1.000m bề cao. Má và các cô phải xuống xe đẩy lên dốc đến 6 lần trong một đêm. Lúc vào đến đoạn cuối cùng của miền Nam thì xe bị gãy trục nhíp, chú Lưu phải bỏ lại để tiếp tục đi về Trung ương. May quá xe vẫn đi được đến nơi đến chốn an tòan. Đến bây giờ thì xe đang nằm sửa chữa lại tại một xưởng ở Trung ương. Còn má và cô Hồng Nhung đi hôngđa, đi xuồng và đi qua cánh đồng Chó Ngáp của Tháp Mười bằng bộ giò cùng các đồng chí giao liên bảo vệ đấy. Ở trong này các chú đi hôngđa rất giỏi, xuyên rừng xuyên núi, thậm chí cái cầu chỉ có một cây, má và cô Hồng Nhung xuống đi bộ, các chú cũng nổ máy chạy qua cầu được đấy. Vào đây toàn dùng nilông, chiếu nilông, chén ca nilông, thậm chí giây phơi quần áo, giây lạt buộc tranh lợp nhà cũng bằng nilông cả. Thôi còn biết bao nhiêu chuyện nữa nhưng các chú sắp đi về Trung ương để chuẩn bị ra Bắc rồi. Má ngừng bút và còn phải viết thư cho cơ quan nữa. Mong ba và các con mạnh khỏe. Cố gắng mua bán ăn uống cho tốt kẻo ốm, các con học hành cho chăm nghe con. Má “.

————-

Không thời sự không phải là báo chí

“Biển khơi của ta đâu có phải ao nhà của chúng nó

Trời xanh của ta không cho chúng nó tới hành hung

Đập chúng nó xuống đất!

Đuổi chúng cút ra khơi!

Dân tộc ta một dân tộc anh hùng

Toàn thế giới đứng bên ta một lòng…”

Singapore lên tiếng về biển Đông

http://tuoitre.vn/The-gioi/443271/Singapore-len-tieng-ve-bien-Dong.html

Bác bỏ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông

http://www.vietnamplus.vn/Home/Bac-bo-lap-truong-cua-Trung-Quoc-ve-Bien-Dong/20116/94519.vnplus

Vòng tròn bất tử

http://www.baomoi.com/Home/SachBaoVanTho/tuanvietnam.vietnamnet.vn/Phia-sau-nhung-nguoi-da-nga-xuong-vi-Truong-Sa/6486550.epi

7 nước ASEAN ra lời kêu gọi chung về Biển Đông

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/06/7-nuoc-asean-ra-loi-keu-goi-chung-ve-bien-dong/


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục