Đăng bởi: leminhtam | Tháng Mười 3, 2012

Đi sơ tán lần đầu theo Trại

Vào cuối năm 1964, khi Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh leo thang ra Miền Bắc XHCN thì nhân dân miền Bắc cũng chuẩn bị sẵn sàng chiến đầu chống chiến tranh phá hoại. Khi đó tôi mới lên 5 tuổi không hiểu gì về chiến tranh chỉ thấy từng đoàn xe ô tô buýt đến Trại đưa học sinh và giáo viên đi sơ tán. Tôi thích lắm vì nghĩ rằng được đi đâu đó như đi nghỉ mát nên đòi đi bằng được, mấy lượt xe mà mình vẫn không được đi, tôi khóc dỗi với mẹ vì chưa được đi.
Mấy ngày trước khi đi sơ tán, không nhớ ai đó cho 2 anh em tôi một chiếc máy bay đồ chơi bằng sắt rất đẹp, sau khi chơi chán rồi 2 anh em quyết định đem chôn nó xuống thềm trước cửa nhà trước khi đi sơ tán và cố nhớ vị trí chôn để sau này về sẽ đào lên. Chính vì vậy suốt cuộc đời dù đi đâu, ở đâu tôi vẫn luôn nhớ một nhiệm vụ bất khả thi là tìm lại chiếc máy bay của mình.
Rồi một hôm tôi cũng được đi sơ tán nhưng phải xa mẹ và các anh chị. Tôi bắt đầu cuộc sống một mình và xa gia đình ở nơi sơ tán. Mẹ tôi chuẩn bị cho 3 chị em tôi mỗi người một túi cứu thương màu xanh lá cây rất đẹp, có hình chữ thập đỏ ở phía ngoài, bên trong có bông băng thuốc đỏ. Mỗi người một túi tay nải để đựng quần áo, khi đi thì đeo vào người. Mẹ Tôi rất khéo tay, tôi còn nhớ mẹ mất nhiều ngày cắt và khâu bằng tay cho mỗi đứa một chiếc áo chấn thủ như các chú bộ đội Điện Biên để chống rét. Tất cả các loại quần áo sáng màu của cả nhà, mẹ tôi đi mua thuốc nhuộm ở Bách hóa Tổng hợp về tự nhuộm để thành màu nâu. Tôi còn nhớ tài sản của tôi là 2 cái túi này, đi đâu cũng phải nhớ mang theo mình. Ngày xưa trẻ con giữ của tốt lắm, không bao giờ để quên hoặc mất cái gì. Tôi còn nhớ cái cảm giác vui vẻ đi bộ như các chú bộ đội đi hành quân đến nơi sơ tán, phải đi qua các quả đồi trông như những mâm xôi tròn trịa rất hùng vĩ và đẹp như bức tranh sống, đó là vùng đất Trung du thuộc Sơn Tây. Tôi bắt đầu để ý đến môi trường thiên nhiên như cây cỏ hoa lá và các con sâu bọ nhiều màu sắc, với tôi mọi cái mình mới được biết thật là lạ và cái gì cũng hay, rồi đến các con vật như con trâu, con bò, con gà, con vịt, con chó ở nơi sơ tán cũng là những đối tượng rất hấp dẫn và thích thú. Hóa ra sau này tôi mới thấy những năm đi sơ tán ngoài sự vất vả khó khăn nguy hiểm của chiến tranh cũng có những lợi ích cho nhận thức của về với thế giới bên ngoài thành thị:nông thôn, rộng lớn hơn. Tôi trở thành người rất yêu vẻ đẹp của quê hương đất nước, con người Việt nam, yêu thiên nhiên và cả những loài vật gần gũi với con người.

Sau đợt sơ tán cùng Trại Nhi đồng Miền Nam rồi trại nhi đồng Miền Bắc. Tôi được đi học vỡ lòng năm 1965 nơi sơ tán thuộc Vĩnh Phúc. Chương trình vỡ lòng học chữ thời đó có 3 học kỳ, tôi học hết 2 học kỳ rồi mẹ lại phải chuyển về Hà nội công tác. Chỉ tôi được đi theo mẹ về Hà Nội, hàng ngày đến tòa soạn Báo Phụ nữ ở Hàng Chuối để mẹ giao bài tự học tập viết. Hóa ra hồi đó tôi bỏ học kỳ 3 lớp vỡ lòng “đại học chữ to” để lên thẳng cấp 1. Có một hôm tôi đi cùng mẹ đến bệnh viện để mẹ mổ cái hậu bối (thực ra là cái nhọt) rất to ở vai. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ hét rất to vì đau, tôi ở ngoài lo quá cũng khóc vì thương mẹ, rồi một hôm tôi thấy mẹ khóc vì bị điều chuyển công tác mà không đúng nguyện vọng.
… Ở nơi sơ tán, mọi người bảo hãy để ý hôm nào có con chim khách đến đậu ở bụi tre và kêu “có khách, có khách” thì chuẩn bị thế nào bố mẹ cũng lên thăm và mấy chị em lại mong ngóng, nhiều khi tẽn tò nhưng cũng có khi lại đúng. Có hôm vừa nghe thấy có tiếng chim khách, trong lòng đang mong mỏi hy vọng thì bố mẹ bỗng dưng xuất hiện trên 2 chiếc xe đạp, chở đầy đồ tiếp tế, chúng tôi chạy ùa ra la hét vì sung sướng. Bây giờ thật khó có thể diễn tả hết được niềm sung sướng, hạnh phúc của trẻ con khi lâu ngày mới được gặp bố mẹ, thường thì nước mắt dàn dụa, nhưng miệng lại cười tươi sung sướng, bao nhiêu thắc mắc gì thì tranh thủ mách bố mách mẹ.

(Hà Quang Huy)


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục