Đăng bởi: leminhtam | Tháng Tám 11, 2007

Kỷ niệm về ba má và Bác Hồ thăm trại Nhi đồng Miền Nam

Tôi vẫn nhớ tôi tập kết ra Bắc trên một chiếc tàu thủy có rất nhiều vòi nước uống để cho mọi người uống nước. Sau này có lần tôi hỏi má: “Có phải thế không?”, má tôi bảo “Đúng vậy!”. Tôi vẫn nhớ lúc mới ra Bắc lúc nào tôi cũng ôm má khư khư chỉ sợ má đi mất. Có lần đi qua một bà quẩy hai thúng gạo đỏ và có nhiều quả na ở trên, má tôi dừng lại mua cho tôi mấy quả, tôi mải ăn nên không biết rằng má đã lẩn đi đâu mất, khi biết má đã trốn đi công tác tôi gào khóc khản cả cổ. Má tôi nói là lúc đó đang ở Nghệ An, má phải gửi tôi ở nhà dân để đi công tác, lúc đó má phải nấp sau cây chuối để tôi không thể nhìn thấy được rồi lẻn đi, vừa đi vừa gạt nước mắt. Ba tôi tập kết ra Bắc tr­ước, ba má tôi lại gặp nhau ở Nghệ An, mừng mừng tủi tủi, rồi hai má con lại tiễn ba đi đâu không biết, tôi nhớ má tôi lại gạt nước mắt khi xe ba đi còn lại vệt bụi mù mịt đằng sau xe…

Ra Hà Nội, má gửi tôi vào trại Nhi đồng Miền Nam. Tôi nhớ tôi đã giằng xé với các cô để níu má lại, gào khóc, bíu gãy cả cột giường, làm rách cả áo của má để níu má lại. Nhưng không được vì má phải đi công tác… Lâu lâu ba má mới đến thăm. Kỳ nào ba má được ở nhà lâu thì chiều thứ Bảy được đón về, được ở với ba má tối thứ Bảy, ở cả ngày Chủ Nhật rồi chiều Chủ Nhật lại phải vào trại. Cho nên chúng tôi mong ngóng tới chiều thứ Bảy biết bao! Có lần buổi chiều ba đưa tôi vào trại, thấy tôi buồn buồn nên ba cứ đi ngoằn ngèo hết sang lại phải sang trái để làm tôi cười. Tôi cười váng lên khoái chí mỗi lần như vậy, có lần cười tít lên rồi cho chân vào bánh xe đạp bị chảy máu, ba phải đưa vào trạm xá cạnh trại để băng bó rồi mới vào trại với các cô.

Các cô chọn địa điểm trại Nhi đồng Miền Nam cũng rất khéo. Không như trại Nhi đồng Miền Bắc ở cạnh phố và công viên Bách Thảo, trại Nhi đồng Miền Nam ở trên một bán đảo nhỏ giữa hồ nước to ở khu vực Thái Hà Ấp cạnh gò Đống Đa, mà tôi nghi chính là hồ Đống Đa bây giờ, xung quanh trồng dừa giống hệt cảnh Miền Nam, đi vào cổng trại phải đi qua một cây cầu gỗ, rất giống cảnh sông nước Miền Nam. Cứ mỗi buổi chiều vào thứ Bảy, các cháu lại ra cổng trại để ngóng ba má đến đón về nhà. Ai được ba má đến đón thì mừng hú líu ríu lên xe ba má đón, còn ai không có ba má đến thì lại thẫn thờ đi về trại với các cô, nhớ nhất là lại về với bà O hoặc má Lánh để nghe bà O hoặc má Lánh kể chuyện rồi đi ngủ như thường lệ.

Một lần vào chiều thứ Bảy, đợi mãi mà không thấy ba má tới đón, trời sắp tối nên tôi rời cổng trại đi về phía cầu để ngóng, ngóng mãi vẫn không thấy, tôi lại đi lên cầu. Chiếc cầu bằng gỗ đã cũ mòn, lại nhiều xe chở đồ và người hàng ngày qua lại nên có vài lỗ thủng to trên cầu. Tôi ngóng mãi ba má không thấy nên xoay ra ngối nhìn xuống sông qua lỗ thủng của cầu, nhìn dòng nước chảy rồi lại đưa chân vào lỗ thủng lắc lư rơi cả dép xuống sông, rồi lại vươn ra thành cầu chổng mông lên nhìn dép của mình đang trôi theo sông. Thế rồi cả người lao xuống sông luôn. Rất may bên sông có một doanh trại bộ đội đóng, có chú bộ đội nhìn thấy và lao xuống cứu tôi lên rồi đưa vào trại cho các cô. Ngay lập tức, sáng thứ Hai sau, không hiểu sao mà Bác biết được ngay, một chiếc ô tô đen phóng đến trại. Từ trong xe, Bác Hồ bước ra, Bác thường đi thăm phòng ăn ở của các cháu trước rồi mới đến phòng các cô. Bác phê bình các cô đã để cháu ngã xuống sông. Rồi Bác tập trung các cháu ở sân để phát kẹo (hồi đó tôi chưa biết xin Bác ức ức chiếc kẹo như các bạn ở trại Nhi đồng Miền Bắc), Bác bảo các cháu đứng đằng trước, các cô đứng đàng sau, bác đứng trên bực thang cao ở sau cùng giang hai tay ra như ôm tất cả các cô cháu trong trại vào lòng để chụp ảnh rồi biến mất lúc nào mà cả cô lẫn cháu đều không hay.

Sau này, khi lớn lên phải rời trại, học lớp 5-6 ở trường Trung Liệt bên cạnh gò Đống Đa, mỗi lần thấy chiếc xe đen đi vào phía trại là tôi biết ngay đó là xe của Bác Hồ nên vội chạy ba chân bốn cẳng để đuổi theo xe mong được gặp Bác ở cổng trại. Còn các bạn khác trong trường thì chẳng hiểu vì sao tôi lại vội vã chạy đi như thế.

Một lần (tiện thể kể luôn) má tôi đang bắt tôi phải rủa chân ở ngay bể nước trong sân Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tôi không chịu, má tôi bảo: “Không rửa chân thì không được gặp Bác Hồ đâu”. Thế mà bỗng dưng Bác Hồ xuất hiện thật trong sân. Bác đi lên phòng hội trường của Hội rất nhanh, các cô chen nhau bồng bế con lên để gặp Bác. Trẻ con được ngồi vào chiếu chỗ gần Bác (thế nên tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi bắt phải rửa chân), mỗi đứa được Bác cho một quả ổi. Một cô chen mãi không được, đứng khóc ở phía xa xa. Thế mà Bác cũng nhìn thấy, chỉ vào cô rồi nói đùa “lêu, lêu lớn thế mà khóc nhè” . Thế là mọi người rẽ ra để cô đến được gần Bác hơn.

Về vụ suýt chết đuối làm khổ các cô thì riêng tôi còn một vụ nữa, thế mà ở các trại có hàng trăm cháu nghịch ngợm suốt ngày, như con loi choi, nghịch khủng khiếp hơn tôi rất nhiều thì mọi người thử tưởng tượng coi các cô vất vả thế nào khi phải quản một đàn cháu như vậy.  Nhất là ở nơi sơ tán núi thì cao, rừng thì rậm, sông suối và hồ thì nhiều, đạn bom suốt ngày mà không mọt cháu nàp bị sa sảy việc gì trong suốt từng ấy năm thì đó quả là một chiến công lớn của các cô chú trong trại. Sau vụ suốt chết đuối ở trại Miền Nam, má tôi chuyển tôi sang trại Miền Bắc cho tiện hơn. Ở trại Miền Bắc (tôi kể luôn thể) hè nào các cô cũng hay đưa cả ngần nấy các cháu đi chơi biển Đồ Sơn, cho các cháu học vẽ trên biển (như trong ảnh đó, tôi đứng cầm bút và giấy vẽ đứng cạnh mỏm đá).  Thế nhưng các cháu ở trên bờ nghịch thế nào thì xuống biển còn nghịch khiếp hơn. Mọi người té nước vào nhau, giật chân nhau,… tôi đang đứng hiền lành ngoan ngoãn thế mà bỗng có một bạn trai đến đấm một quả vào đầu làm tôi chìm ngỉm không kêu ca được một tiếng nào. Bỗng cô Cát thấy có chỏm tóc lờ phờ trên mặt nước, cô vội kéo túm tóc lên, lúc đó tôi đã bị uống rất nhiều nước nên không hay biết gì nữa. Mãi sau mới tỉnh lại làm cả trại lại một phen hết cả hồn.


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục