Đăng bởi: leminhtam | Tháng Chín 29, 2012

Chuyện của Hà Quang Huy – trại Nhi đồng Miền Nam

Khi ấy tôi thường được ăn cùng mâm với một cậu người Lào tên là É hoặc Xây gì đó. Không hiểu vì sao cậu ấy được ăn ngon thế mà còn chê và toàn bỏ thức ăn mà tôi thích, đó là món miến chả băm có nhiều nạc, trong khi đó tôi toàn phải ăn những miếng thịt mỡ bầy nhầy, cứ cho vào miệng cố nuốt lại ọe ra, có lẽ là do tiêu chuẩn thấp. Cậu Xây thấy vậy toàn xúc cho tôi miến chả đổi lấy thịt mỡ và tôi ăn rất ngon lành. Được vài hôm, có lẽ các cô bảo mẫu phát hiện tôi ăn ngon lành miến chả của Xây nên mách với mẹ tôi và cách ly tôi không cho ngồi cạnh cậu Xây nữa. Kỷ niệm nho nhỏ ấy nhưng rất ấn tượng đối với tôi vì sau đó bị các anh chị trêu như là một việc đáng xấu hổ nên tôi không thể quên. Sau này tôi mới biết Xây chính là con trai Hoàng thân Xuphanuvông của Lào. Nghe nói cậu Xây này còn làm đến chức Bộ trưởng Bộ Tài chính của nước bạn Lào. Ở trại còn có 2 chị em tên là Iren và Mônic là người Camơrun, da đen xì, thân hình to cao. Iren, Mônic là con nhà cách mạng được gửi từ bé ở Trại nên vẫn thường chơi với bọn trẻ con và nói tiếng Việt rất giỏi, về sau nghe nói Mônic cũng là Bộ trưởng Bộ Y tế của nước bạn châu Phi. Có lẽ do đất nước còn đang trong thời chiến nên trẻ con trong Trại rất thích chơi trò chiến tranh hòa bình, công an bắt gián điệp, chơi trốn tìm…. Đôi khi tôi rất thích đi chơi xa một chút để khám phá, có thể là chỉ ra đến sau ngôi nhà cấp 4. Khung cảnh mới với tôi đó là ao hồ mênh mông, có nhiều cây dừa nghiêng soi bóng, sau này lớn lên tôi mới hiểu nơi đây là trại Nhi đồng Miền Nam, chủ yếu các cháu là con em cán bộ Miền Nam nên trại trồng nhiều dừa để nhớ tới Miền Nam đang còn chiến tranh…
Được gặp Bác Hồ: Hồi nhỏ tôi thường được bố mẹ nhắc chuyện nếu tôi sinh sớm 5 ngày thì vào ngày sinh nhật Bác 19/5, khi đó Bác Hồ sẽ nhận làm con nuôi và tôi sẽ có vinh dự lắm. Tôi còn nhỏ nên cũng không hiểu gì về ý nghĩa việc này, mặc dù thiếu nhi hồi đó suốt ngày hát các bài hát ca ngợi Bác Hồ “ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…” và trong bài hát của tôi mà bố tôi sáng tác mừng tôi chào đời cũng có câu kết: “Mẹ mong con thành cháu ngoan Bác Hồ”. Tôi rất nhớ vào một buổi chiều có rất nhiều chú bộ đội đến Trại, tay cầm máy dò mìn, đầu đội mũ bịt tai như bộ đội tăng bây giờ, bọn tôi chạy lăng xăng đi xem mà chả hiểu gì, hỏi thì các chú suỵt… bí mật, về nhà hỏi anh chị thì bảo là các chú đi “tìm kim” thế là tin ngay và hiểu rằng có ai đó làm rơi mất kim nên phải tìm, mãi sau này mới biết đó là “dò mìn”. Sáng hôm sau có một đoàn xe ôtô phóng ào vào Trại rồi dừng lại, cả Trại ùa ra hân hoan và xúc động chào đón Bác Hồ, tôi còn bé quá nhưng cũng chạy ra xem mà chẳng hiểu gì, tôi còn nhớ rất rõ Bác Hồ mặc bộ quần áo nâu, đi dép cao su đứng cạnh mấy sọt cam to lắm, cả Trại đứng vây quanh háo hức ngắm Bác Hồ và nghe Bác nói chuyện. Hình ảnh này thật ấn tượng và tôi luôn nhớ mãi không bao giờ quên. Mặc dù Tôi còn nhỏ nhưng Tôi vẫn nhận thấy Bác thật giản dị, gần gũi và đẹp như một ông tiên. Có lẽ đây là lần thăm cuối cùng của Bác với Trại Nhi đồng Miền Nam vì lúc đó khoảng năm 1964, khi Miền Bắc chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh leo thang của Đế quốc Mỹ. Trở thành “Cháu ngoan Bác Hồ” thời đó có lẽ là mơ ước của hầu hết thiếu niên Việt Nam và khi lớn hơn, đến tuổi thiếu niên tôi cũng đã luôn cố gắng phấn đấu để đạt được điều đó.
Căn phòng nhà tôi ở đầu hồi, nhìn ra cái thềm rộng, cao và có bậc tam cấp, tiếp đó là đường đất, mẹ tôi là một phụ nữ tháo vát và thích tăng gia, mẹ làm một mảnh vườn ngay trước nhà trồng rau su hào bắp cải xúp lơ…và những khóm mía mọc rất tốt. Buổi tối, mặc dù lúc đầu tôi còn bị anh chị dọa ma và sợ bóng tối nhưng rồi cũng quen, anh em tôi trước khi đi ngủ thường đứng trên thềm thi nhau xem ai đái xa hơn để tưới vào khóm cây mía. Phía sau nhà có một khoảng đất rộng cạnh đó là một con mương nhỏ. Mẹ tôi và anh chị nuôi gà và thỏ. Tôi nhớ nhất cái chuồng thỏ do mẹ tôi đóng, nuôi một đôi thỏ trong một thời gian rất ngắn mà nó đẻ rất nhiều con, một buổi tối cả nhà đi chơi về thấy thỏ đẻ nhiều con rơi từ chuồng xuống đất. Tôi rất thích chơi với thỏ con và cho nó ăn. Có một lần thỏ con không hiểu vì sao chết hàng loạt, 3 chị em tôi thương quá, khóc rồi làm đám ma cho thỏ, kiếm một chỗ chôn và làm cái mộ bằng ụ đất nhỏ. Phía bên kia con mương là phế tích của một cái nhà thờ, có thể nó đã bị tàn phá trong chiến tranh, dấu vết tường gạch, các họa tiết vẫn còn, tôi còn nhớ rất thích nhặt những mảnh kính màu lấp lánh trên nền nhà thờ. Xa hơn là cái hồ hoặc đầm khi đó, theo suy nghĩ của tôi thì nay là đường Thái Hà và chỉ còn tồn tại là con mương nhỏ. Phía trước nhà chếch tay phải có một cây ổi cao chừng 3 – 4 m, hồi đó tôi cho là khá to, tôi và các anh chị vẫn thường trèo lên cây chơi, ngồi vắt vẻo. Hồi đó trẻ con leo trèo rất giỏi, còn bây giờ thì chắc không bố mẹ nào dám để trẻ con chơi như thế, quá nguy hiểm.

Chị Bình học lớp 4 trường Trung Liệt, cách xa nhà đến cả cây số, một ngôi trường to và đẹp, có lần tôi được đi theo anh chị ra đó xem. Lần đó là do Nhà trường tổ chức cuộc thi sản phẩm tăng gia nên chị phải mang sản phẩm của gia đình đi thi. Mọi người mang rau củ quả, gà chó,… mà mình tăng gia được đến Trường. Tôi còn nhỏ lắm nhưng vẫn nhớ vì hồi đó tôi rất thích, háo hức đi xem các anh chị. Lớp 4 là năm cuối cấp 1 nên đối với tôi thì các anh chị là lớn lắm rồi.
Một lần mẹ bảo tôi đi cắt tóc, tôi tự đi bộ từ Trại NĐMN ra tận gò Đống Đa để cắt tóc, xa hơn 1 Km, bây giờ thì không tưởng tượng nổi trẻ con ngày xưa bạo thật, cắt tóc xong về tưởng đẹp, không ngờ lại bị mẹ mắng cho một trận, chê đầu cắt như cái nồi úp, chắc là ngố lắm, nhưng tôi mới có 4 tuổi thì hiểu gì đâu, thế là tôi lại túc tắc quay lại Gò Đống Đa để cắt lại, ông thợ cắt tóc chắc cũng biết lỗi nên sửa lại theo chỉ đạo của mẹ mà không thắc mắc gì. Một chuyến đi vừa đi vừa chơi như vậy chắc mất cả buổi, nhưng tôi thích lắm vì tôi hoàn toàn tự do và tự thích nghi với cuộc sống.
Ở Trại Nhi đồng Miền Nam, khi tôi nhận thức được niềm hạnh phúc sung sướng, đó chính là không gian nho nhỏ nhưng đầy đủ không khí gia đình đầm ấm với sự chăm chút chu đáo của mẹ, tình cảm của anh chị và sự khâm phục với bố. Những khi đi ngủ tôi thường được ngủ cạnh bố hoặc mẹ và bố mẹ thường đặt câu hỏi là “con yêu bố hay mẹ hơn?”, đây là câu hỏi khó đối với ngay cả người lớn vì bố hoặc mẹ thực ra là một gia đình. Trước khi ngủ tôi thường được nằm gối đầu tay bố để được nghe chuyện “Cân”, một nhân vật bố tôi bịa ra với những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn nhưng không hiểu sao bố tôi vừa kể vừa nghĩ mà vẫn không bao giờ hết chuyện. Cả 3 chị em đều thích nghe kể chuyện “Cân”, thậm chí còn tranh luận bàn tán xem tiếp theo là gì. Những khi mơ màng thức giấc, tôi vẫn nhớ cảm giác sung sướng đê mê khi nghe tiếng đàn violon mà bố tôi thường kéo vào những ngày nghỉ. Giai điệu bản nhạc đã đi vào trong tâm trí tôi hồi đó là bản nhạc “Quê hương” của Phạm Trọng Cầu. Sau này tôi vẫn thường nhớ lại và nghĩ gia đình mình đã từng hạnh phúc nhất chính là thời kỳ ở Trại nhi đồng Miền Nam.


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục